“Chúng tôi quy định mặc định người sửa chữa RO phải chịu trách nhiệm về nguồn nước, phải đảm bảo chất lượng nước” – PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng khẳng định trước tòa.

Chiều 18/1, các luật sư tại phiên tòa xét xử vụ án tai biến chạy thận làm 9 người chết ở BVĐK Hòa Bình đã tập trung hỏi PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng – Trưởng Khoa thận nhân tạo BV Bạch Mai – khoảng 50 câu liên quan tới vấn đề quy trình chạy thận và xét nghiệm AAMI.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến đã đặt câu hỏi với ông Dũng về đề hoạt động của Đơn nguyên Thận nhân tạo BVĐK tỉnh Hòa Bình và Khoa Thận nhân tạo BV Bạch Mai hoạt động có giống nhau hay không. TS Dũng trả lời cơ bản là giống nhau. Tại BV Bạch Mai, vấn đề về chất lượng nước RO sẽ thuộc về kỹ thuật và điều dưỡng.

Nếu đơn vị sửa chữa nước thông báo đã sửa xong, có thể cho chạy thận như bình thường mà không phải đi xét nghiệm AAMI.

Bệnh viện Bạch Mai mặc định người sửa chữa RO phải chịu trách nhiệm về nguồn nước - Ảnh 1.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng – Trưởng khoa Thận nhân tạo bệnh viện Bạch Mai trả lời câu hỏi của HĐXX tại phiên xét xử sơ thẩm vụ chiều ngày 18/1.

Lý giải điều này, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết: “Ngày hôm trước nước an toàn chạy thận bình thường, sau sửa sẽ giúp cho nước sạch hơn, nhưng sẽ nguy hiểm nếu có tồn dư hóa chất. Vì vậy, người sửa chữa phải sục rửa, làm vệ sinh, phải test hóa chất. Trong trường hợp người sửa chữa báo đã xong, điều dưỡng viên kiểm tra bác sĩ hoàn toàn có thể cho ra y lệnh”.

Quy trình lọc thận của Bạch Mai làm theo quy định tổ chức phát triển phát triển y tế Mỹ. Đây là quy trình của quốc tế và đã được Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo dùng.

Ông Dũng cũng cho hay, thế giới không khuyến cáo cần phải xét nghiệm AAMI. Xét nghiệm này tùy theo đơn vị yêu cầu khi có nghi ngờ khoàng 1 năm/ lần, còn xét nghiệm enditoxin 3 tháng/lần.

Cũng theo ông Dũng, đưa axit HF vào sục rửa đường ống là sai quy trình. BV Bạch Mai không bao giờ dùng HF trong sục rửa, vệ sinh đường ống. Với màng RO phải dùng hóa chất do Bộ Y tế quy định. Mỗi hóa chất đưa vào sử dụng đều có que thử.

Trước ý khiến cho rằng, hệ thống nước dành cho lọc máu của BVĐK tỉnh Hòa Bình là lạc hậu, ông Dũng khẳng định, trên thế giới có 2 kiểu lắp đặt hệ thống nước là gián tiếp và trực tiếp. BV Bạch Mai đang lắp đặt gián tiếp có buồng nước trung gian, và BVĐK Hòa Bình dùng như thế là đúng.

Luật sư hỏi về việc sau sửa chữa là sẽ chạy thận thì làm cách nào để kiểm tra nguồn nước? Theo TS Dũng điều này tùy ở bệnh viện, còn BV Bạch Mai chỉ cần có biên bản bàn giao là sẽ chạy thận.

Trả lời câu hỏi của VKS về việc kiểm tra hóa chất tồn dư là bắt buộc hay không, TS Dũng nói: “Chúng tôi quy định mặc định người sửa chữa RO phải chịu trách nhiệm về nguồn nước phải đảm bảo chất lượng nước. Nếu người sửa chữa xác nhận chúng tôi chưa sửa xong sẽ bắt buộc phải dừng chạy thận”.

Luật Ngô Quốc Quyền (bảo vệ cho bị cáo Trương Quý Dương) cũng hỏi TS Nguyễn Hữu Dũng rằng nếu sử dụng xét nghiệm AAMI có xác định được trong đó có axit HF hay không, ông Dũng xác nhận là có.