Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Y tế, thống nhất gia hạn thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc Glivec, Tasigna cho bệnh nhân trong tháng 1 và 2-2020.
Loại thuốc nhắm đích điều trị cho bệnh nhân mắc chứng bạch cầu mạn dòng tủy hoặc u đường tiêu hóa có di căn, chi phí điều trị cho mỗi bệnh nhân trên 500 triệu đồng/năm sẽ có “lối ra”.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, do dự án 3 bên (nhà sản xuất thuốc, Quỹ bảo hiểm y tế, Bộ Y tế) hỗ trợ thuốc cho bệnh nhân đã hết thời gian thực hiện vào 31-12-2019, trong khoảng 1 tuần nay, có những bệnh nhân phải đi mua thuốc ngoài thị trường với giá cao, chi phí tiền thuốc 1,2-1,6 triệu đồng/ngày tùy bệnh nhân, nhiều người gặp khó khăn.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, để giải quyết tình hình cấp bách trước mắt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Y tế, thống nhất gia hạn thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc cho bệnh nhân trong 2 tháng kế tiếp (tháng 1 và 2-2020). Đây là thời gian chờ sửa thông tư 30, theo hướng nhà sản xuất sẽ giảm giá thuốc xuống còn 65% so với hiện nay và phía bảo hiểm sẽ nâng tỉ lệ chi trả lên 80-100% tiền thuốc.
Với phương án bảo hiểm trả 80% tiền thuốc, phần còn lại bệnh nhân sẽ phải đồng chi trả 20%, phương án còn lại thì quỹ bảo hiểm sẽ chi toàn bộ tiền thuốc.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện có gần 3.000 bệnh nhân Việt Nam đang sử dụng loại thuốc này (có 2 dòng mang tên Glivec và Tasigna), với chi phí phía bảo hiểm chi trả từ 225-413 triệu đồng/bệnh nhân/năm, và gần 1.500 bệnh nhân được hãng thuốc cung cấp thuốc miễn phí.
Với đề xuất hãng thuốc giảm giá thuốc và bảo hiểm nâng tỉ lệ chi trả, phía Bảo hiểm xã hội đề nghị việc giảm giá thuốc thực hiện ngay trong thời gian gia hạn dự án hỗ trợ 3 bên.
Trả lời Tuổi Trẻ về việc có biến chứng nếu tạm ngưng uống thuốc này trong một thời gian ngắn, ông Bạch Quốc Khánh, viện trưởng Viện Huyết học truyền máu T.Ư, cho biết nếu ngưng uống trong 1 tháng thì chưa có biến chứng, nhưng nếu ngưng từ 6 tháng thì bệnh sẽ tái phát.