Hai người tái dương tính dự kiến được công bố khỏi bệnh ngày mai, sau khi bác sĩ kết luận trong cơ thể họ chỉ còn “xác virus” và ít có khả năng lây nhiễm cho người khác.
Đại diện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Hà Nội, ngày 4/5, cho biết hai bệnh nhân tái dương tính là 74 và 137, kết quả xét nghiệm âm tính bốn lần liên tiếp. Kết quả nuôi cấy nCoV từ mẫu bệnh phẩm của hai người cho thấy virus không phát triển, chỉ có “virus đã bất hoạt” (xác virus).
Đây là hai người đầu tiên khỏi bệnh trong 14 ca tái dương tính.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, từng là thư ký tổ điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết xét nghiệm Realtime RT-PCR làm việc trên vật liệu di truyền của virus nên rất nhạy. Đôi khi chỉ có một đoạn ARN (vật chất di truyền) của virus sót lại trong mẫu bệnh phẩm cũng sẽ cho kết quả dương tính. Tuy nhiên kết quả xét nghiệm này vẫn chưa thực sự chắc chắn một người nhiễm nCoV.
“Kết quả nuôi cấy virus là bằng chứng chính xác nhất, khẳng định người tái dương tính không còn virus gây bệnh trong cơ thể, không có khả năng lây nhiễm nCoV ra cộng đồng”, bác sĩ Bình nói.
Tiến sĩ Phạm Quang Thái, Phó khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết thêm: “Kết quả dương tính trong xét nghiệm PCR nghĩa là tìm thấy vật liệu di truyền của virus, không có nghĩa tìm thấy virus còn sống và còn đang gây bệnh”.
Với các bệnh nhân tái dương tính, các chuyên gia Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương ngoài xét nghiệm PCR còn tiến hành thêm các thử nghiệm như kiểm tra bệnh nhân có kháng thể hay không, nuôi cấy xem virus có nhân lên hay không… Đến nay không thấy bằng chứng nào về khả năng lây nhiễm của bệnh nhân sau khi đã hồi phục.
“Do đó có thể yên tâm về nguy cơ lây nhiễm từ ca tái dương tính. Tuy nhiên những bệnh nhân sau hồi phục vẫn nên cách ly thêm tại bệnh viện để phục vụ công tác giám sát, nghiên cứu nhằm hiểu biết rõ hơn về cơ chế gây bệnh của loại virus còn rất mới với y học”, bác sĩ Thái nói.
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết có ba giả thuyết về trường hợp tái dương tính, bao gồm bệnh nhân tái phát hoặc tái nhiễm, sai lầm do xét nghiệm, dạng virus bất hoạt hoặc xác virus.
Phần lớn người tái dương tính ở Việt Nam không biểu hiện triệu chứng lâm sàng mà được phát hiện qua những đợt lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra sau xuất viện. Chỉ một trường hợp biểu hiện nhẹ, không loại trừ khả năng do bệnh nhân nhiễm virus khác. Ngoài ra, những người tiếp xúc gần các bệnh nhân tái dương tính ở cộng đồng hiện nay đều xét nghiệm âm tính, chưa ghi nhận hiện tượng lây lan.
“Thực tế không xuất hiện triệu chứng lâm sàng, chưa lây lan người tiếp xúc gần, cho thấy khả năng tái phát hoặc tái nhiễm ở những ca tái dương tính rất thấp”, bác sĩ Hùng phân tích.
Tuy nhiên hiện các chuyên gia vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn toàn bộ, vì các thí nghiệm nuôi cấy virus từ bệnh phẩm của người tái dương tính mất ít nhất ba tuần mới có kết quả.
Một số nước trên thế giới cũng ghi nhận người tái dương tính. Tại Hàn Quốc, hơn 260 trường hợp tái dương tính nhưng không lây nhiễm cho người khác. Các chuyên gia thuộc Ủy ban lâm sàng Trung ương về Kiểm soát Dịch bệnh Mới nổi, cho rằng ARN có thể lưu lại sau khi virus đã bất hoạt, nên có thể xét nghiệm tìm ra các tàn dư.
Tại Trung Quốc, hơn 30 người ở tỉnh Hồ Bắc dương tính trở lại sau khi khỏi bệnh. Zhang Boli, hiệu trưởng Đại học Y học Cổ truyền Thiên Tân, cho biết trình tự gene còn sót lại ở một số bệnh nhân cho thấy virus đã bị bất hoạt.
“Như vậy có thể trong cơ thể người bệnh chỉ còn vật liệu di truyền của nCoV”, Zhang nói.