Khi tiếp nhận 5 bệnh nhân Covid-19 từ cùng một gia đình vào đêm tháng 2, bác sĩ Raymond Liu Wai-to lo sợ những điều có thể xảy đến tiếp theo.
“Tôi đã nghĩ rằng Hong Kong có thể đứng trước một đợt lây nhiễm trong cộng đồng lớn, có thể áp đảo hệ thống chăm sóc sức khỏe, để lại hậu quả tai hại”, bác sĩ Liu, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, trưởng khoa cách ly tại Bệnh viện Ruttonjee, nói.
Cả 5 bệnh nhân bác sĩ điều trị đều lây nCoV từ một nhà hàng lẩu ở Kwun Tong. Nỗi lo lắng của ông càng tăng thêm khi một bệnh nhân ho ra máu, trước khi được chẩn đoán nhiễm nCoV.
Bác sĩ Liu biết mình cần làm gì.
“Các triệu chứng của anh ấy trùng khớp với biểu hiện Covid-19. Vì vậy tôi quyết định không chờ đợi thêm nữa, lập tức điều trị bằng tổ hợp thuốc”, ông nói. Phác đồ này phát huy hiệu quả, triệu chứng hô hấp của bệnh nhân giảm đáng kể.
Liu được các đồng nghiệp đánh giá là bác sĩ kỳ cựu, từng làm việc trên tuyến đầu chống dịch SARS năm 2003 và cúm lợn (H1N1) năm 2009. Kể từ tháng 1 năm nay, ông lãnh đạo đội ngũ y tế trong khu cách ly Bệnh viện Ruttonjee điều trị người nhiễm nCoV. Hơn một tháng rưỡi, Liu chỉ ngủ trung bình hai đến ba giờ mỗi ngày. Thời gian còn lại, ông giám sát mọi mặt của công tác chữa bệnh, từ tiếp nhận, sàng lọc bệnh nhân đến chẩn đoán và điều trị. Để tiết kiệm thời gian và tránh lây nhiễm cho người thân, bác sĩ Liu ngủ lại trong một khách sạn cách bệnh viện 10 phút đi bộ.
“Tôi đã không trở về nhà để gặp gia đình kể từ khi dịch bệnh bùng phát”, ông nói.
Đội ngũ y tế của bác sĩ Liu được bổ sung thêm 20 người, song phần nhiều tỏ ra căng thẳng bởi nguy cơ lây nhiễm chéo.
“Một đồng nghiệp trẻ lo lắng đến phát khóc. 20% người chết trong dịch SARS tại Hong Kong là nhân viên y tế, một số thậm chí đã mặc trang phục bảo hộ cá nhân rồi. Bởi chưa có đủ dữ liệu chính thức, con số này là cơ sở tham chiếu, và nó rất đáng lo ngại”, bác sĩ Liu nhận định.
Để giúp các y bác sĩ tự tin hơn, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của làm việc nhóm.
“Chúng tôi trông chừng nhau lúc mặc và cởi áo choàng bảo hộ, kể cả khi không đi vào khu cách ly để đảm bảo đầy đủ các bước. Đây cũng là một cách cổ vũ lẫn nhau”, ông nói.
Hồi tháng 1, khi dịch bệnh lên cao điểm, Hong Kong nâng cảnh báo y tế lên mức nghiêm trọng. Trung tâm truyền nhiễm, Bệnh viện Princess Margaret ở Kwai Chung, được đưa vào tuyến đầu điều trị. Thành lập năm 2007 trong đại dịch SARS, trung tâm đã tiếp nhận 20 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của khu vực.
Nhìn lại quá trình chống dịch 4 tháng, Owen Tsang Tak-yin, giám đốc y tế của trung tâm, cho biết mối quan tâm lớn nhất của ông là tìm ra loại thuốc phù hợp, an toàn và hiệu quả.
Ngày 6/2, chính quyền đặc khu Hong Kong đã chấp thuận kế hoạch điều trị đầu tiên, sử dụng tổ hợp thuốc kháng HIV/AIDS kaletra, thuốc viêm gan C ribavirin, interferon và thuốc tiêm thử nghiệm remdesivir.
Sau khi nghiên cứu các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ Tsang nhận định người nhiễm nCoV sau khi khỏi còn cần thời gian dài để hồi phục hoàn toàn. Trong số 20 bệnh nhân tái khám, hơn 10 người bị suy giảm 20% chức năng phổi. Theo ông Tsang, chức năng phổi là thước đo quan trọng để đánh giá hiệu quả trao đổi oxy và carbon dioxide giữa các cơ quan trong cơ thể.
Trong khi đó, nỗi lo lắng lớn nhất của bác sĩ Chong Yee-hun, giám đốc điều hành Bệnh viện Yuen Long lại là ổ dịch tiềm ẩn ngay trong chính nơi làm việc. Tháng trước, một bệnh nhân 93 tuổi được báo cáo có thể đã nhiễm nCoV trong thời gian nằm viện. Ký ức đen tối thời kỳ dịch SARS, khi hàng loạt nhân viên y tế tại Bệnh viện Prince of Wales phơi nhiễm virus, bỗng chốc ùa về.
Bệnh viện Yuen Long phải kiểm tra sức khỏe của hơn 100 bệnh nhân và 300 y bác sĩ. May mắn, tất cả đều có kết quả âm tính. Hai khu lão khoa nơi bệnh nhân 93 tuổi điều trị đã đóng cửa khử trùng trong ba tuần. Các bác sĩ cho rằng có khả năng bệnh nhân lây nhiễm sau khi dùng chung máy đo huyết áp với một trường hợp dương tính nCoV.
Tình hình dịch bệnh tại Hong Kong hiện đã suy yếu đáng kể. Hơn 100 ngày liên tiếp, đặc khu ghi nhận xu hướng giảm số ca nhiễm mới.
Bỏ lại những nỗi lo lắng phía sau, bác sĩ Chong cho biết đây chỉ là lát cắt nhỏ trong cuộc khủng hoảng kéo dài mang tên Covid-19 ở Hong Kong. Bác sĩ Raymond Liu đồng ý với quan điểm này, nhận định rằng cuộc chiến với đại dịch vẫn chưa đến hồi kết.
Thục Linh (Theo SCMP)