Tham dự Hội nghị Khoa học lần thứ III của Hội Lọc máu Việt Nam, có TS Nguyễn Minh Lợi, Cục trưởng Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế; TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế; ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam; PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường – Bộ Y tế; TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.
Về phía các cơ quan Trung ương có ông Bùi Ngọc Quý, Vụ trưởng Vụ Xã hội – Ban Tuyên giáo Trung ương…
Về phía tỉnh Bình Định, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Y tế và BVĐK tỉnh Bình Định.
Phát biểu tại hội nghị, TS Nguyễn Minh Lợi, Cục trưởng Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế – Bộ Y tế đánh giá cao hoạt động của Hội Lọc máu Việt Nam.
Tuy mới thành lập 3 năm nhưng Hội Lọc máu Việt Nam đã khẳng định vai trò của Hội thông qua các ý kiến đóng góp để xây dựng chính sách, góp phần hoàn thiện thể chế cũng như hoạt động chuyên môn.
“Tại hội nghị khoa học lần thứ III, có 83 báo cáo khoa học trong đó có nhiều báo cáo liên quan đến chính sách. Chúng tôi mong muốn các đại biểu thảo luận và thời gian tới đóng góp ý kiến để chuẩn hóa các quy trình chuyên môn kỹ thuật, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật trong điều trị các bệnh về lọc máu”, TS Nguyễn Minh Lợi nói.
Chủ đề Hội nghị Khoa học lần thứ III của Hội Lọc máu Việt Nam năm 2023 là: “Các rối loạn chuyển hóa trong thận nhân tạo”. Đây là những lĩnh vực đặc thù trong lọc máu bao gồm: rối loạn chuyển hóa chất khoáng, xương; rối loạn lipid máu, rối loạn hormon, tích lũy các độc tố uremic trọng lượng phận tử trung bình… ở bệnh nhân lọc máu.
Những rối loạn này có cơ chế bệnh sinh, biểu hiện bệnh lý và phương pháp điều trị khác hẳn so với các bệnh lý thuộc chuyên ngành khác. Các bệnh lý do rối loạn chuyển hóa sau điều trị thay thế thận ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của người bệnh thận nhân tạo.
Theo ước tính, số lượng bệnh nhân chạy thận nhân tạo tăng thêm hằng năm khoảng hơn 5.000 bệnh nhân và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục tăng.
Tại Việt Nam, thận nhân tạo vẫn là phương pháp điều trị thay thế thận phổ biến nhất, năm 2022, tỷ lệ điều trị của 3 phương pháp thận nhân tạo, lọc màng bụng, ghép thận tương ứng là 82%, 4,4%, 13,1% và năm 2023 là 74,4%, 1,9%, 23,7%.
TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam cho biết, Hội tuy mới thành lập nhưng đã và đang triển khai nhiều hoạt động tích cực nhằm phổ biến kiến thức, kỹ năng lâm sàng cho hội viên.
Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, Hội Lọc máu Việt Nam đã tham mưu cho Bộ Y tế các chính sách liên quan như Hướng dẫn phòng và điều trị COVID-19 cho bệnh nhân lọc máu. Hiện Hội Lọc máu Việt Nam đang tiến hành tham mưu cho Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung Quy trình kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật kỹ thuật lọc máu; Quy trình kiểm định máy thận nhân tạo…
Công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học được Hội đặc biệt quan tâm, Hội đã triển khai 3 phiên đào tạo chuyên đề và 1 hội nghị khoa học toàn quốc hằng năm.
Năm nay là năm thứ ba Hội tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc, quy tụ 1.200 nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư, chuyên gia đầu ngành về lọc máu Việt Nam và quốc tế. Các chuyên đề báo cáo tại hội nghị bao trùm lên rất nhiều các lĩnh vực trong hoạt động của chuyên ngành lọc máu.