Một người đàn ông nặng 65 kg, uống 200 ml rượu trắng 42 độ cồn, uống xong lúc 10h đêm, thì đến 8h sáng hôm sau trong máu hết cồn.
Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, cho biết rượu hoặc bia đóng chai trên thị trường đều có ghi nồng độ cồn tính theo đơn vị phần trăm cụ thể. Song, để định lượng chính xác nồng độ cồn trong máu, bạn phải thực hiện ở các cơ sở xét nghiệm như trong bệnh viện, bằng cách lấy máu tĩnh mạch, rồi định lượng Ethanol theo phương pháp sắc ký, hoặc phương pháp đo quang phổ Enzyme phân hủy rượu Alcohol Dehydrogenase.
Tuy nhiên, một người khi uống rượu có thể ước lượng một cách tương đối nồng độ cồn trong máu để tự điều chỉnh lượng rượu uống.
“Cách tính này được nhà khoa học người Thụy Điển Eric P. Widmark đề xuất từ năm 1932 nhưng chỉ có tính chất tham khảo, công thức không cho ra con số chính xác nồng độ cồn trong máu”, bác sĩ Phúc chia sẻ.
Công thức: A = W(C.10:1,056)r. Trong đó: A là khối lượng rượu nguyên chất đã uống (g), C là nồng độ cồn trong máu (g/100ml), W là trọng lượng cơ thể (kg), r là hằng số hấp thụ rượu theo giới tính (0,7 đối với nam giới và 0,6 với nữ giới).
Tốc độ chuyển hóa rượu trong máu ở mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào tuổi, cân nặng, bệnh lý… Ảnh: Medical News Today |
Trung bình, mỗi giờ cơ thể loại bỏ 15 miligam cồn trong 100 ml máu, tuy nhiên, tuổi tác, cân nặng, các loại thuốc đang sử dụng, bệnh lý về gan… khiến thời gian chuyển hóa rượu ở mỗi người khác nhau. Đồ uống càng nhiều độ cồn thì thời gian để cơ thể chuyển hóa càng lâu hơn.
Do đó, để biết tốc độ suy giảm nồng độ cồn trong máu, người uống có thể áp dụng công thức Ci = C – 0,015t. Trong đó, C là nồng độ cồn trong máu khi uống xong, Ci là nồng độ cồn trong máu tại thời điểm xác định, t là thời gian.
Ví dụ, một người đàn ông nặng 65 kg, uống 200 ml rượu trắng 42 độ cồn, uống xong lúc đồng hồ chỉ 10h đêm, sau đó đi ngủ. 7h sáng hôm sau thức dậy, nồng độ cồn trong máu tính theo công thức trên sẽ còn 15 miligam trong 100 ml máu. Để hết nồng độ cồn trong máu, tức Ci = 0, phải sau 8h sáng máu mới hết cồn.
Tuy nhiên, các phép tính trên không đưa ra con số chính xác.
“Công thức tính chỉ dùng tham khảo để một người có thể tự điều chỉnh lượng bia rượu khi uống, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe, công việc, đặc biệt là điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống cần phải thận trọng hơn”, bác sĩ Phúc nhấn mạnh.
Ngoài ra, trong máu mỗi người đều có các ngưỡng nồng độ cồn khác nhau nên thời gian chuyển hóa và trạng thái cảm xúc cũng khác nhau.
Ví dụ, nồng độ cồn 10-40 miligam trong 100 ml máu khiến cơ thể ở trạng thái hưng phấn nhẹ nhàng, thư giãn, tương tác tốt với xã hội. Từ 50 đến 70 miligam cồn trong 100 ml máu có thể gây hưng cảm, nói nhiều, cảm giác thân thiện với người xung quanh, hoặc bắt đầu suy giảm kỹ năng. Vì vậy đa số quốc gia sử dụng con số 50 miligam cồn trong 100 ml máu làm giới hạn pháp lý khi lái xe.
Nồng độ cồn từ 500 miligam trong 100 ml máu có thể đe dọa tính mạng. Đặc biệt là trường hợp lưỡi mềm tụt sâu vào đường thở gây suy hô hấp và ngừng thở, trụy mạch, tụt huyết áp, hạ thân nhiệt và nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào.
Từ ngày 1/1/2020, Luật phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực, nghiêm cấm người uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Người điều khiển bất kể phương tiện giao thông đường bộ nào như ôtô, máy kéo, xe máy, xe máy điện, xe đạp, xích lô… đều không được phép uống rượu bia khi lưu thông.
Thùy An