Tan Thanh Medical – Trust – Cooperation – Success

Bệnh viện kêu bất ngờ với giá trần khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bộ Y tế nói gì?

Ngày đăng: 26-08-2023 Lượt xem: 236

Chỉ 80 bệnh viện gửi Bộ Y tế giá các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu đang thực hiện để làm cơ sở xây dựng giá Thông tư 13. Trong khi cả nước có hơn 1.000 bệnh viện công, 135 bệnh viện hạng I trở lên.

Sau khi Thông tư 13 liên quan giá khám chữa bệnh theo yêu cầu ban hành, có hiệu lực từ 15/8, nhiều bệnh viện như Phụ sản Hà Nội, Việt Đức, Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, Da liễu Trung ương hay Bạch Mai đã rà soát, điều chỉnh giá giường bệnh, giá khám, và dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh theo yêu cầu theo khung giá cho phép. Có nhiều kỹ thuật giảm tới 20-30 triệu đồng, tuy nhiên, có giường bệnh tăng từ 3 triệu lên 3,8 triệu đồng/phòng 1 giường.

Dù Thông tư 13 đã có hiệu lực 10 ngày nhưng lãnh đạo nhiều bệnh viện tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành tỏ ra lúng túng, băn khoăn trong quá trình thực hiện.

Theo khảo sát, nhiều bệnh viện ở Trung ương và địa phương băn khoăn về phương pháp định giá tối đa (giá trần), giá tối thiểu (giá sàn) mà Bộ Y tế đưa ra trong Thông tư 13 liệu đã phù hợp thời điểm hiện tại; mức giá trần chưa phù hợp thực tế, nhiều dịch vụ có mức chênh lệch giữa giá trần – sàn gần 50 triệu đồng…

Bệnh nhân sử dụng giường bệnh theo yêu cầu tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: Phương Thúy

Tuy nhiên, vẫn còn không ít bệnh viện chưa thực hiện do… chờ hướng dẫn của Bộ Y tế, bao gồm việc sử dụng tài sản công trong khám chữa bệnh theo yêu cầu, phân chia theo vùng địa lý, điều kiện kinh tế xã hội hay hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cụ thể để áp dụng thuận lợi.

Băn khoăn về cơ sở xây dựng giá trần, giá sàn

Lấy ví dụ về việc xây dựng mức giá chưa hợp lý so với thực tiễn khám chữa bệnh, GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho hay theo hướng dẫn của Thông tư 13, những ca bệnh yêu cầu bác sĩ mổ, chọn “giờ đẹp” lúc 3-4h sáng, có giá khoảng 7 triệu đồng.

Sau khi trừ các loại chi phí, mỗi ê-kíp thầy thuốc chỉ còn được trả khoảng 500.000 đồng cho mọi ca mổ đẻ, bất kỳ ca thường hay ca khó. Trong khi đó, chi phí trước đây cho ê-kíp thầy thuốc là với ca khó là 2 triệu, ca thường là 1,5 triệu đồng.

Ông Ánh lo lắng nếu thu theo giá hiện nay thì khó đảm bảo hoạt động dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. Hơn nữa, mức chi trả cho thầy thuốc trên đây khó khuyến khích các nhân lực chất lượng cao, bệnh viện công nguy cơ sẽ “rỗng” bệnh nhân, nạn phong bì sẽ quay lại.

Hay với kỹ thuật mổ đẻ, nạo hút thai, với người bệnh không có sẹo tử cung, không tai biến, ca mổ được thực hiện thuận lợi, khoảng 15 phút, nhưng với bệnh nhân đã có 3 lần sẹo mổ, rau cài răng lược, thì vừa khó vừa mất nhiều thời gian, trong khi nguy cơ tai biến cao hơn. Tuy nhiên, theo Thông tư 13 thì chỉ quy định một giá.

Ví dụ khác về kỹ thuật sinh thiết phôi trong thụ tinh ống nghiệm, Thông tư 13 quy định giá theo đầu người, giá hơn 10,2 triệu đồng/người. “Nếu mỗi người chỉ làm 1 phôi, giá trên khá cao, nếu 3 phôi, giá khá phù hợp. Nhưng một người có thể có 5, 10, 20 phôi, nên nếu giá 10,2 triệu đồng này thì không đủ chi phí. Thực tế giá phải chi trả theo số phôi, không thể tính trên bệnh nhân”, ông Ánh nói.

Phòng dịch vụ theo yêu cầu 2 giường tại Khoa Đẻ tự nguyện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, hiện giá giường dịch vụ cao nhất ở viện này là 3,8 triệu/giường. Ảnh: BVCC

Như vậy, theo GS Ánh, Thông tư 13 chưa bao phủ hết những đặc tính của một ca phẫu thuật mà mới chỉ đưa ra giá của một kỹ thuật, chưa bao trùm các hoạt động chăm sóc đặc biệt mà người bệnh mong muốn.

Cùng nhận định khung giá theo tại Thông tư 13 chưa phù hợp với chi phí thực tế, ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), cho hay ở bệnh viện này, chi phí khấu hao tại Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội lớn, do đầu tư cơ sở hạ tầng và máy móc đắt tiền.

“Nếu tính đủ chi phí thì vượt giá tối đa của Bộ Y tế, việc thu trong khung giá dẫn đến thu không đủ chi phí kết cấu trong giá dịch vụ, dẫn đến khó khăn trong vấn đề tự chủ”, ông Long cho biết.

Mặt khác, Thông tư 13 đang quy định cố định mức giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, trong khi giá cả luôn thay đổi theo thị trường. Ông Long cho rằng “không thể quy định giá trần mà cần tuân theo quy luật của thị trường”.

“Bộ Y tế cần có các công cụ để đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế như về trình độ nhân viên y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thời gian khám hay dịch vụ kỹ thuật đặc biệt”, ông Long đề xuất.

Bệnh viện kêu ‘không được lấy ý kiến góp ý’, Bộ Y tế nói ‘chỉ 80 cơ sở gửi báo cáo giá’ 

Một số giám đốc bệnh viện chuyên khoa tuyến Trung ương và Hà Nội cho hay rất bất ngờ với mức giá trần mà Bộ Y tế ban hành trong Thông tư 13 do không được lấy ý kiến đóng góp, do đó, đơn vị không hiểu cơ sở tính giá này.

Đại diện Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) cho biết cơ quan này mất 5 năm để xây dựng và ban hành Thông tư quy định về giá khám chữa bệnh theo yêu cầu. Ông Vũ Thanh Nam, Vụ Kế hoạch – Tài chính, thành viên ban soạn thảo Thông tư 13, cho biết trước khi xây dựng khung giá, Bộ Y tế đã gửi công văn cho hầu hết các bệnh viện công lập về việc báo cáo giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu mà cơ sở đang thực hiện để làm cơ sở xây dựng giá.

“Tuy nhiên, Bộ Y tế chỉ nhận được báo cáo của 80 đơn vị”, ông Nam cho biết. Trong khi cả nước có hơn 1.000 bệnh viện công lập, 135 bệnh viện hạng I trở lên.

Vụ Kế hoạch – Tài chính cho hay phương pháp “hồi quy tuyến tính” được sử dụng để xây dựng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu. Ví dụ, khi Bộ Y tế tổng hợp số liệu một dịch vụ siêu âm tại các cơ sở y tế, có đơn vị báo cáo mức giá 500.000 đồng, nhiều đơn vị khác đưa ra mức giá 200.000 đồng, cuối cùng, giá trần siêu âm được đưa ra là 196.000 đồng. Hoặc với giá khám bệnh, có 2 đơn vị đưa ra giá 800.000 – 900.000 đồng, nhưng một chuỗi đơn vị khác, bao gồm các bệnh viện trung ương, lại có mức giá 500.000 đồng là mức cao nhất.

“Không thể lấy giá cá biệt, cao nhất để xây dựng giá trần mà phải đưa về mặt bằng chung, tránh đưa ra giá tối đa quá cao”, ông Lê Thành Công, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế cho biết.

Trước lo lắng của nhiều bệnh viện hạng 1 trở lên về việc điều chỉnh giảm giá nhiều dịch vụ kỹ thuật theo yêu cầu sẽ khiến bệnh viện thu không đủ bù chi, ông Vũ Thanh Nam cho hay, hiện các bệnh viện, kể cả bệnh viện thuộc Bộ Y tế, đang tiếp cận giá này theo hướng là “giá được xây dựng để bù đắp chi phí bỏ ra cộng thêm lợi nhuận theo kỳ vọng”, trong khi thực tế không phải vậy.

“Cần phải tách biệt chi phí và giá. Giá hình thành từ chi phí, cộng với tác động của quy luật cung cầu thị trường, quản lý nhà nước, chính sách, đạo đức, thói quen, hành vi…”, ông Nam nói. Giá có thể thấp hơn, bằng hoặc cao hơn chi phí. Đơn cử, hiện giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đang thấp hơn chi phí. Ở những nước phát triển, giá là công cụ quản lý chứ không chỉ là công cụ thu tiền về để bù đắp chi phí và lợi nhuận. Vì thế, các bệnh viện khi đã tự chủ phải sử dụng công cụ giá để điều hành, quản trị, theo ông Nam.

“Làm giá là nghệ thuật, trong khi tính chi phí là kỹ thuật. Người tính chi phí là những người làm nhiệm vụ tài chính, nhiệm vụ của lãnh đạo bệnh viện là cân bằng lợi ích nhiều bên để đưa ra giá, dù việc cân bằng đó rất khó”, ông Nam nói.

Từ khóa:

Bài viết liên quan

02422286868