Trước những thông tin có một số tỉnh xin tạm dừng tiêm vắc xin ComBE Five do lo ngại phải ứng vắc xin. Bộ y tế khẳng định tỷ lệ phản ứng vắc xin nằm trong giới hạn.
Phản ứng vắc xin nằm trong giới hạn cho phép
Theo PGS.TS Đặng Đức Anh, Viện Trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cho biết, trong tháng 10 và 11/2018, Bộ Y tế đã triển khai vắc xin ComBE Five tại 7 tỉnh Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái, Kon Tum, Bình Định, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Đã có 17.356 trẻ được tiêm chủng vắc xin ComBE Five với phản ứng thông thường sau tiêm chủng là 5,5%.
Tính đến ngày 6/1/2019, vắc xin ComBE Five đã triển khai tại 19 tỉnh trên phạm vi toàn quốc. Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ phản ứng thông thường như: sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc được ghi nhận là 1,73%.
Đã ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài với tỷ lệ khoảng 0,05%. Các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị.
“Tỷ lệ phản ứng sau tiêm thường gặp của vắc xin ComBE Five tại Việt Nam vẫn nằm trong giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới”, ông Đức Anh khẳng định.
Viện Trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định tỷ lệ phản ứng vắc xin ComBE Five nằm trong giới hạn cho phép của WHO.
Theo tài liệu của WHO, tỷ lệ phản ứng thông thường đối với các vắc xin chữa thành phần ho gà toàn tế bào: sốt từ 38-39 độ C chiếm tới 44,5%, phản ứng 38,5%, nóng đỏ tại chỗ tiêm có thể tới 56,3%, đau 25,6%, các phản ứng khác như quấy khóc kéo dài là 3,5%.
Ông Đức Anh cũng cho biết vắc xin ComBE Five vẫn tiếp tục được tiêm tại một số tỉnh và dự kiến hết tháng 1-2019 sẽ thực hiện tiêm trên phạm vi toàn quốc, không có chuyện dừng tiêm như tin đồn.
Về hai trường hợp trẻ tử vong tại Nam Định sau tiêm vắc xin ComBE Five, ông Đức Anh thông tin, đây là hai trẻ tử vong có triệu chứng xuất hiện 36 giờ sau tiêm. Hội đồng chuyên môn đã họp và xác định cháu bé tử vong không liên quan đến thực hành tiêm chủng, không sốc phản vệ. Nguyên nhân tử vong vẫn còn đang xem xét.
Ông Đức Anh khuyến cáo: “Các bậc phụ huynh khi cho con tiêm xong tại cơ sở y tế xã/phường thì phải theo dõi 30 phút, và khi về nhà thì các phụ huynh theo dõi con trong thời gian 24-36 giờ xem có biểu hiện bất thường nào không để thông báo cho cơ sở y tế gần nhất.
Nếu cha mẹ không yên tâm về sức khỏe của con mình sau khi tiêm chủng, hãy đến gặp cán bộ y tế để được khám và tư vấn”, ông Đức Anh nói.