11/16 ca tại Vĩnh Phúc dương tính với Covid-19. Sơn Lôi, Vĩnh Phúc đã bị cách ly trong 21 ngày để ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Chưa lúc nào, chính quyền và ngành y tế căng mình chống dịch như thế này. Thế nhưng, còn đó những kỳ thị về Vĩnh Phúc vì hai từ “cách ly”. Và ngay cả những người dân trong vùng cách ly, họ cũng chưa ý thức hết được tầm quan trọng của việc cách ly tại địa phương là góp phần cùng cả nước chống dịch.
Kỳ thị người dân tại khu cách ly là sai lầm
Những ngày này, chỉ cần nghe một ai nói quê Vĩnh Phúc, ăn Tết tại Vĩnh Phúc hay từng đi qua tỉnh này, những người chung quanh đều có cái nhìn ái ngại. Thậm chí, không ít người còn yêu cầu những đối tượng này cần phải cách ly. Có những người trở nên sợ hãi khi phải đi qua tỉnh Vĩnh Phúc.
PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế cho biết, việc thực hiện cách ly địa phương có nhiều ca bệnh là biện pháp quyết liệt để tăng cường kiểm soát dịch bệnh, để hạn chế tốt nhất sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng. Cách ly tại địa phương có những ca nghi ngờ hoặc đang trong thời gian ủ bệnh sẽ hạn chế thấp nhất sự phát tán virus Covid-19, lây cho những người khác.
Ông Phu nhấn mạnh: “Xã Sơn Lôi có vài ca bệnh, hầu hết là ca bệnh xâm nhập, nếu kiểm soát tốt như hiện nay thì dịch bệnh sẽ không lây lan nữa. Hiện đang là “thời kỳ vàng” để các ca bệnh xâm nhập có thể lây lan sang những người khác, nếu chúng ta không kiểm soát tốt những ca tiếp xúc gần đó thì sẽ lây lan cho những người khác nữa. Việc cách ly xã Sơn Lôi để phòng, chống dịch dẫn tới sự kỳ thị người dân Vĩnh Phúc là rất sai lầm, không hiểu gì về dịch bệnh”.
Sau thời gian cách ly khoảng 21 ngày, nếu thời gian này không có các ca bệnh mới thì sẽ không có vấn đề gì, sẽ dừng cách ly.
“Đối với dịch bệnh Covid-19, chúng ta đã có những hiểu biết nhất định về căn bệnh này, nguyên nhân, lây lan của bệnh là do tiếp xúc gần… thì hoàn toàn có thể đề phòng bằng nhiều biện pháp như rửa tay xà phòng, đeo khẩu trang, vệ sinh sạch sẽ… Về điều trị bệnh nhân Covid-19, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm”, ông Phu cho hay.
Từ tâm dịch Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Minh Trung – Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên cho biết, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Bình Xuyên xác định, người dân phải tự phòng, chống dịch. Những trường hợp nghi nhiễm hoặc tiếp xúc người người nghi nhiễm, UBND huyện cách ly những đối tượng đó ngay. Những trường hợp dương tính với Covid-19 đều nằm trong tầm kiểm soát của tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh đang rất quyết liệt thực hiện các công tác phòng, chống dịch.
Theo PGS, TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, trách nhiệm của người nghi nhiễm bệnh là phải tuân thủ cách ly để tránh lây lan ra cộng đồng. Tuy nhiên, nếu cộng đồng kỳ thị người nghi ngờ, người bệnh, người dân vùng có dịch thì sẽ vô tình cản trở công tác phòng, chống dịch, hạn chế công tác tự giác khai báo bệnh.
Ông nhấn mạnh, kỳ thị người bệnh, kỳ thị vùng miền sẽ làm gia tăng bùng phát dịch mạnh hơn. Vì vậy cần chung tay chia sẻ cùng với cộng đồng và đây cũng là trách nhiệm của chúng ta. Điều trị, ngăn chặn và cắt nguồn lây chính là biện pháp đề phòng cho chúng ta. Và cuối cùng là tình người, người bệnh cần sự thương yêu, chia sẻ, đoàn kết của những người chung quanh và cả cộng đồng.
Tự cách ly là thể hiện trách nhiệm với cộng đồng
Để bảo đảm việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế đã chỉ đạo thực hiện tổng thể các biện pháp, trong đó biện pháp cách ly y tế trong vòng 14 ngày là đặc biệt quan trọng đối với những người có tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh, trường hợp nghi ngờ, các trường hợp về từ vùng có dịch của 31/31 địa phương của Trung Quốc, nhất là với những trường hợp về từ Trung Quốc.
PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh, với bệnh truyền nhiễm, nguyên tắc số một phải cách ly thật tốt, đặc biệt trong khu vực bệnh viện. Khi tiếp nhận người bệnh tại bệnh viện, dù nghi ngờ hay dương tính ở mức độ nhẹ – nặng, các thầy thuốc phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc cách ly của Bộ Y tế. Trong công tác bảo đảm chất lượng điều trị chuyên môn, an toàn cho người bệnh, cộng đồng và thầy thuốc, Bộ Y tế đã có có văn bản nhắc nhở Giám đốc các Sở Y tế, các cơ sở y tế, các ngành hết sức quan tâm đến việc tổ chức cách ly, quản lý người bệnh tại cơ sở y tế của mình.
“Những bệnh dịch lây qua hô hấp thì nguồn bệnh rất dễ phát tán. Từ bài học của Trung Quốc, chúng tôi thấy nhiều thầy thuốc tại đây bị nhiễm bệnh. Do đó, mục tiêu của Bộ Y tế cố gắng phấn đấu không để nguồn lây đó từ bệnh nhân cho các thầy thuốc và từ bệnh viện không để lây ra cộng đồng”, ông Khuê cho hay.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, việc cách ly phải được triển khai bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ về pháp luật như công an, chính quyền địa phương. “Có ba khu vực chúng tôi nêu ra gồm: những người có nghi ngờ nhưng chưa dương tính với Covid-19; người bị bệnh nhưng nhẹ vẫn sinh hoạt được; người bệnh nặng. Với người bệnh nặng, chúng ta phải quản lý một cách khác như tất cả quần áo, chất thải của người bệnh, đặc biệt các nguồn vi sinh vật (nguồn lây virus) phải quản lý theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế về an toàn sinh học, an toàn kiểm soát nhiễm khuẩn”, ông Khuê nói.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid -19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng từng khẳng định vai trò quan trọng của công tác thực hiện cách ly tại cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh, vận động mỗi người dân hiểu rõ tự cách ly là điều tối quan trọng nhằm mục tiêu dập dịch ngay và không tràn lan.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong phòng, chống dịch bệnh, người dân tự cách ly là nêu cao trách nhiệm với bản thân và xã hội. Vượt qua những bất tiện, những khó khăn trong thời gian được cách ly chính là sự đóng góp quan trọng, là nghĩa cử cao đẹp của người cần được cách ly trong công tác chống dịch. Cộng đồng ủng hộ người được cách ly chính là tham gia chống dịch tốt. Lúc khó khăn, những nghĩa cử cao đẹp, điều tốt càng đáng quý và cần được nhân rộng.