Kể từ ngày đầu dịch bệnh, các quốc gia đã thống kê số ca nhiễm và tử vong hằng ngày, song cách tính toán có sự khác biệt.
Đến nay, thế giới ghi nhận hơn 250.000 người chết do Covid-19. Việc thống kê dựa trên các yếu tố như địa điểm thu thập dữ liệu, cách xác định nguyên nhân tử vong, khung giờ báo cáo, nhân khẩu học…
Italy ghi nhận tổng cộng 29.079 trường hợp tử vong đến hôm nay, nhiều hơn bất cứ quốc gia châu Âu nào khác. Song các chuyên gia cho rằng số liệu có thể bị phóng đại do cách thức thống kê. Giới chức y tế nước này kiểm đếm cả những bệnh nhân dương tính qua đời bởi Covid-19 lẫn người có tiền sử bệnh lý, chết do các biến chứng.
“Theo báo cáo của Viện Y tế Quốc gia, chỉ 12% số ca tử vong có liên quan trực tiếp đến Covid-19, 88% bệnh nhân qua đời vì mắc từ một đến hai loại bệnh nền”, giáo sư Walter Ricciardi, cố vấn khoa học chính phủ Italy, cho biết.
Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Bỉ và Anh cũng có cách thống kê tương tự.
Trong khi đó tại Iran, bệnh nhân dương tính nCoV nhưng chết vì “một căn bệnh nghiêm trọng” khác sẽ được loại khỏi danh sách tử vong hàng ngày.
Tại Nga, khi một bệnh nhân Covid-19 qua đời hồi đầu tháng 3, chính phủ từ chối ghi nhận đây là trường hợp tử vong đầu tiên của quốc gia bởi người bệnh có một số vấn đề sức khỏe trước đó. Bà chết vì bị đông máu.
Theo hai chuyên gia nhân khẩu học người Pháp là Gilles Pison và France Meslé, giữa đại dịch, “việc thu thập số liệu, dù nhanh đến đâu, cũng có độ trễ khoảng vài ngày, khó có thể bao quát toàn bộ ca tử vong. Phải mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng để thống kê tất cả số người chết”.
Tại Mỹ, dù bệnh nhân không được xét nghiệm, giấy chứng tử vẫn phải ghi rõ Covid-19 “có khả năng” là nguyên nhân tử vong hay không. Song việc thu thập giấy chứng tử mất nhiều thời gian, không thể cập nhật ngay lập tức trên thống kê hàng ngày.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không đưa ra phương pháp thống kê chính thức về số người tử vong vì Covid-19. Dữ liệu phần nhiều phụ thuộc vào từng quốc gia. Thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, đã nhiều lần sửa lại số người chết, lần gần đây nhất là ngày 17/4 khiến ca tử vong tăng gấp rưỡi. WHO ủng hộ động thái này, cho rằng các quốc gia nên rà soát số liệu khi đã bắt đầu kiểm soát được khủng hoảng.
Thục Linh (Theo Sud-Ouest, Telegraph)