Một người bị tai nạn, chấn thương cột sống, chấn thương đa tạng, nặng hơn là đột quỵ, tai biến… nếu được sơ cứu kịp thời, đúng cách có thể giảm tối đa nguy cơ bệnh nặng hơn, thậm chí là tử vong trước khi đến bệnh viện.
Nhiều tình huống giúp hạn chế tổn thương, cứu người bệnh trong tích tắc
Chia sẻ tại Hội thảo khoa học về cấp cứu ngoại viện diễn ra tại Bệnh viện E chiều 25/8, GS.TS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược – ĐHQG Hà Nội cho biết, hiện nay chưa có con số thống kê cụ thể về số người tử vong do không được cấp cứu ngoại viện. Nhưng thực tế, số người tử vong trước khi đến được bệnh viện rất nhiều.
Hàng ngày, xung quanh chúng ta xảy ra biết bao nhiêu vụ tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, đánh nhau, các sự cố cháy nổ, bão lũ …. Tuy nhiên nếu bệnh nhân được sơ cứu kịp thời, đúng cách sẽ giảm thiểu nguy cơ làm bệnh nặng thêm hoặc tử vong ngoài bệnh viện.
GS.TS Lê Ngọc Thành cho biết, có những sự việc vô cùng đáng tiếc khi người dân đưa bệnh nhân chấn thương cột sống cổ, chấn thương đa tạng vào viện bằng xe máy. Việc vận chuyển bệnh nhân như vậy có thể khiến người bệnh gặp di chứng liệt suốt đời.
GS.TS. Nguyễn Gia Bình – Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, Trưởng bộ môn Y học cấp cứu ngoại viện, Đại học Y Dược- ĐHQG cho rằng, trong cuộc sống, các tai nạn, biến cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Có những trường hợp biến chứng nặng như ngừng tuần hoàn, ngừng thở cần phải cấp cứu ngay tại chỗ. “Trong khoảng 10 giây, não thiếu oxy, con người sẽ giảm ý thức và dẫn đến hôn mê “, GS.TS. Nguyễn Gia Bình nói.
Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam dẫn ví dụ, có trường hợp một em bé sặc dị vật, chặn đường thở. Những người xung quanh cần phải tìm cách lấy dị vật ngay tại chỗ chứ không phải gọi cho y tế vì sẽ không kịp thời gian để y tế đến hỗ trợ. Hoặc gần đây, có trường hợp một bé gái 11 tuổi đã cứu sống em mình do bị đuối nước bằng các kỹ năng học ở trường.
Hiện nay, Việt Nam có hệ thống cấp cứu 115, tuy nhiên số tỉnh thành phố có trung tâm cấp cứu còn ít và đa số người dân chưa coi trọng việc cấp cứu tại chỗ. Khi có bất cứ tình huống khẩn cấp nào xảy ra, đa phần đều gọi cấp cứu. Nhiều trường hợp xe cấp cứu không kịp đến do nhiều nguyên nhân như tắc đường, ở quá xa, hoặc địa hình xe cấp cứu không tới được. Chỉ có cấp cứu tại chỗ mới giải quyết được các vấn đề này để cứu sống người bệnh.
TS.BS Nguyễn Công Hựu – Giám đốc Bệnh viện E khẳng định, cấp cứu ngoại viện còn gọi là cấp cứu ngoài cộng đồng, tức là nạn nhân sẽ được hỗ trợ bởi người gần mình nhất, người chứng kiến sự việc và có kỹ năng cấp cứu ban đầu. Mục tiêu của cấp cứu ban đầu là can thiệp càng sớm càng tốt nhằm duy trì chức năng sống của nạn nhân ở tình trạng ổn định nhất có thể cho đến khi đưa đến bệnh viện. Đó là giai đoạn quyết định sống chết của người bệnh. Do đó, việc phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện có vai trò quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong và giảm mức độ thương tật cho người bệnh, đặc biệt đối với các trường hợp nguy kịch, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật và tài chính cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.
Cấp cứu cần được trang bị như kỹ năng sống
Nhiều người cho rằng cấp cứu chỉ dành cho những nhân viên y tế, những người có hiểu biết về cơ thể con người nhưng thực tế, nhờ cấp cứu ngay tại chỗ, nhiều người bệnh đã được cứu sống. GS.TS. Nguyễn Gia Bình cho rằng, cấp cứu ngoại viện nghĩa là hành động cấp cứu ở ngoài khu vực bệnh viện, như cơ quan, công sở, trường học, các khu du lịch, nhà máy, khách sạn…
“Cấp cứu ngoại viện hay cấp cứu ban đầu cần phải coi là một kỹ năng sống cho tất cả mọi người. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã phổ biến những kiến thức cấp cứu ngoại viện cho mọi đối tượng ngoài nhân viên y tế như cảnh sát, lực lượng phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và lan rộng cho cả cộng đồng”, GS.TS. Nguyễn Gia Bình nói.
GS.TS Lê Ngọc Thành hy vọng rằng, trong tương lai sẽ có ngày càng nhiều đối tượng như lực lượng cứu hộ cứu nạn, cảnh sát giao thông hoặc những người dân bình thường cũng có kiến thức về cấp cứu ban đầu để xử trí mọi tình huống cho phù hợp.