Sau 8 tháng đi vào hoạt động Trung tâm lọc máy kỹ thuật cao thuộc Khoa thận – lọc máu (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) đã tiếp nhận điều trị cho rất nhiều bệnh nhân, trong đó có cả bệnh nhân người nước ngoài và Việt kiều.
Bác sĩ Huỳnh Thị Nguyễn Nghĩa, trưởng khoa Khoa thận – lọc máu cho biết: “Ngoài những bệnh nhân trong nước, Trung tâm đã điều trị cho 3 trường hợp ở Campuchia, 5 trường hợp là Việt kiều Mỹ, đặc biệt có một ca người Nhật đã lọc máu còn một người đã đăng ký tại trung tâm”.
Theo bác sĩ Nghĩa, tại Nhật Bản liệu trình chạy thận nhân tạo được đánh giá là tốt nhất thế giới, trung bình một bệnh nhân suy thận ở Nhật sống được 20 năm, thậm chí 30 năm.
Tuy nhiên, việc người Nhật tin tưởng để lựa chọn lọc máu ở Việt Nam là điều rất hiếm. Nhưng thời gian gần đây, nhiều bệnh nhân nước ngoài trong đó có người Nhật đã đến Khoa để lọc máu.
“Người bệnh là một phụ nữ người nước ngoài sang thăm con trai làm việc ở Việt Nam nhưng mỗi lần lọc máu bà lại phải đáp máy bay sang Thái Lan. Khi biết đến trung tâm lọc máu kỹ thuật cao bà đã tin tưởng trở thành bệnh nhân của chúng tôi”, bác sĩ Nghĩa cho biết.
Bác sĩ Nghĩa cho hay liệu trình lọc máu có tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng nước. Người chạy thận nhân tạo lâu năm thường gặp các biến chứng về suy dinh dưỡng, bệnh lý về xương, hạ huyết áp… Bên cạnh đó, việc dùng dụng cụ gây kích ứng về lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu tới người bệnh, gây ra phản ứng như ngộ độc kim loại, bệnh nhiễm trùng…
Khắc phục những nhược điểm trên tất cả vật tư tiêu hao, thuốc dùng, quy trình chạy thận nhân tạo tại trung tâm lọc máu kỹ thuật cao đều tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn Nhật Bản nhằm đem lại hiệu quả cao nhất trong liệu trình lọc máu. Nhờ đó, cuộc sống của bệnh nhân mắc bệnh mãn tính sẽ được kéo dài và chất lượng sống cũng được cải thiện.
Về tình hình hoạt động của Trung tâm lọc máu kỹ thuật cao, vị bác sĩ thông tin thêm: “Dự trù có 20 máy lọc máu hiện đại dùng cho khu kỹ thuật cao nhưng hiện mới sử dụng 10 máy, thời gian tới nếu số lượng bệnh nhân tăng bệnh viện sẽ bổ sung số máy còn lại, với công suất phục vụ 50-60 bệnh nhân/ngày”.
“Bệnh nhân chạy thận nhân tạo phải đảm bảo chất lượng cuộc sống, người bệnh phải khỏe tái hòa nhập cộng đồng vẫn đi làm và sinh hoạt bình thường”, nữ bác sĩ nhấn mạnh.
Được biết, trước khi hợp tác với Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, các chuyên gia Nhật Bản đã đi khảo sát rất nhiều bệnh viện ở Việt Nam, đặc biệt hai thành phố lớn Hà Nội và TP HCM trong nhiều năm liên tục. Cuối cùng mới đến và thử mẫu nước của hệ thống chạy thận nhân tạo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tốt mới hỗ trợ thành lập trung tâm.
Một tháng sang Việt Nam tư vấn hỗ trợ một lần nhưng kỹ sư người Nhật Bản không nề hà, sẵn sàng quỳ xuống lau chùi sạch sẽ một vết bẩn trên sàn nhà. Ảnh NVCC |
Trung bình một bệnh nhân chạy thận nhân tạo cần tới 22.000 lít nước siêu tinh khiết mỗi năm. Do thận hư không còn khả năng lọc các tạp chất, ion và vi khuẩn xâm nhập vào máu từ nước truyền nên rất dễ có những rủi ro bất ngờ, kể cả tử vong. Các nguyên tố vô cơ như nhôm, thuỷ ngân, đồng, chì kẽm và các độc tố hữu cơ như nitơrat, nitrit, amoniac, chloramine, vi khuẩn, tảo, nấm đều gây tai biến. Do đó, nước dùng cho thận nhân tạo cần phải được xử lý nghiêm ngặt
Hiện tại các máy lọc máu ở Trung tâm kỹ thuật cao thuộc đời mới nhất của Nhật là NIPRO, sau mỗi máy có một màng lọc hiện đại, nước qua đây lọc nước trở thành nước siêu tinh khiết. Màng lọc chỉ sử dụng một lần thay vì 6 lần như trước kia.
Một số hình ảnh các chuyên gia Nhật Bản làm việc tại Trung tâm lọc máu kỹ thuật cao:
Một y tá nam của Nhật Bản được cử sang hỗ trợ trung tâm Việt Nam đang vệ sinh sàn nhà. Ảnh NVCC |
Khoảnh khắc thân thiết, vui vẻ sau khi các y tá Việt – Nhật hoàn thành công việc được giao. Ảnh NVCC |
Hiện tại các máy lọc máu ở Trung tâm kỹ thuật cao thuộc đời mới nhất của Nhật là NIPRO, sau mỗi máy có một màng lọc hiện đại, nước qua đây lọc nước trở thành nước siêu tinh khiết. Ảnh Mai Phương |
Mai Phương
Theo Đời sống & Pháp lý