Khoảng một nửa số người bị tăng huyết áp nhưng không biết, 40% người biết mình bị tăng huyết áp thì chưa điều trị.
Phó giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Tim mạch Việt Nam, cho biết bệnh tăng huyết áp rất phổ biến song nhiều người có tâm lý “sống chung với lũ”, không kiểm soát, điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong khi đó, đây là một bệnh tiến triển thầm lặng và tiềm ẩn rất nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là bệnh tim mạch.
Điều tra của Viện Tim mạch Quốc gia cho thấy 64% người bệnh điều trị mà không đạt được huyết áp mục tiêu (dưới 140/90 mmHg). Cứ 10 người lớn thì 2-4 người có khả năng bị tăng huyết áp, dẫn đến biến chứng nặng nề như đột quỵ, suy tim, giảm thị lực, mùa lòa, suy thận…
“Bệnh nhân tăng huyết áp cần được cần chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, đầy đủ”, Phó giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nhấn mạnh tại Chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng về bệnh lý tim mạch – tăng huyết áp – bệnh tim mạch, ngày 7/12.
Hơn 1.000 người dân đi bộ quanh Hồ Gươm, Hà Nội, kêu gọi mọi người kiểm tra huyết áp, sáng 7/12. Ảnh: Lê Nga. |
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện có khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới mắc bệnh tăng huyết áp. Mỗi năm 9,4 triệu người bị tăng huyết áp đã tử vong.
Tại Việt Nam, năm 1970 chỉ có khoảng 2% người lớn bị tăng huyết áp, năm 1990 là 11% và những năm đầu 2000 đến 16%. Năm 2008, nghiên cứu dịch tễ học cho thấy có tới 25% người trưởng thành mắc bệnh tăng huyết áp.
Năm 2015 một nghiên cứu tại cộng đồng do Viện Tim mạch Việt Nam tiến hành điều tra dịch tễ học tăng huyết áp tại 8 tỉnh đại diện cho các vùng miền trên toàn quốc cho thấy tỷ lệ tăng huyết áp đã lên tới 47,3% ở những người trên 25 tuổi.
Giáo sư Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam, cho biết tăng huyết áp có khuynh hướng gia tăng rõ rệt ở Việt Nam, song số người được chẩn đoán bệnh vẫn còn thấp, số bệnh nhân được điều trị còn ít, số bệnh nhân được điều trị đúng cách cũng không nhiều. Trong khi, đây là nguyên nhân lớn nhất gây bệnh tim mạch, đột quỵ.
“Người có huyết áp cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành lên 3 lần. Song tăng huyết áp mà đi kèm các yếu tố nguy cơ khác như mỡ máu cao, hút thuốc lá thì con số này tăng lên 16 lần”, giáo sư Việt nói.
Gánh nặng về bệnh tật và tử vong do tăng huyết áp đã trở thành một vấn đề cấp bách hiện nay. Bệnh tiến triển trong nhiều năm, người bệnh có thể sẽ không phát hiện ra triệu chứng bệnh. Thậm chí dù không có biểu hiện nào, nhưng tăng huyết áp vẫn gây tổn thương mạch máu, các bộ phận trong cơ thể như não, tim, mắt và thận.
Bác sĩ Viện tim mạch quốc gia kiểm tra huyết áp cho người dân. Ảnh: N.P |
Theo giáo sư Việt, nguyên tắc điều trị tăng huyết áp đó là điều chỉnh lối sống như giảm béo phì, giảm muối, hạn chế thức ăn nhiều cholesterone, acid béo no, hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá. Tăng cường các hoạt động thể lực ở múc phù hợp với người bệnh như đi bộ khoảng 30-45 phút mỗi ngày. Tránh căng thẳng thần kinh, tránh bị lạnh đột ngột.
Ngoài ra, người bệnh cần lựa chọn loại thuốc hạ áp phù hợp, có chỉ định của bác sĩ; chỉ số huyết áp cần hạ từ từ, tránh hạ quá nhanh. Đặc biệt, việc điều trị cần liên tục, lâu dài.
Chương trình mục tiêu y tế dân số giai đoạn 2016 -2020, đặt mục tiêu đến năm 2020 có 50% số người bị tăng huyết áp được phát hiện sớm; 30% số người phát hiện bệnh được quản lý, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn. Viện Tim mạch Quốc gia đã phối hợp với các sở y tế nghiên cứu, đào tạo tập huấn chuyên môn phòng, chống bệnh tim mạch; sàng lọc phát hiện sớm, quản lý người bệnh tăng huyết áp…