Cơ cấu dân số, khác biệt văn hóa cũng như điều kiện khí hậu là các yếu tố ảnh hưởng tới mức độ lây lan của Covid-19 ở các khu vực trên thế giới. 

Covid-19 đã gây tử vong cho hơn 6.000 công dân Iran. Trong khi đó tại nước láng giềng Iraq, số người chết là dưới 100. Nước Cộng hòa Dominica ghi nhận gần 7.600 ca nhiễm. Song khu vực giáp ranh là Haiti chỉ có 88 bệnh nhân. Tại Indonesia, số ca dương tính là hơn 11.000 người. Con số này ở Malaysia là hơn 6.000 vì chính phủ đã thực hiện các biện pháp phong tỏa kịp thời.   

Covid-19 quét qua hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Một số thành phố lớn như New York, Paris và London bị virus tàn phá, trong khi các khu đô thị đông đúc không kém như Bangkok, Baghdad, New Delhi và Lagos đến nay vẫn tương đối an toàn.   

Điều này khiến các chuyên gia đặt ra câu hỏi vì sao sức ảnh hưởng của dịch bệnh lên các khu vực lân cận có sự chênh lệch lớn đến vậy. Họ thực hiện hàng trăm nghiên cứu, cân nhắc các yếu tố như nhân khẩu học, điều kiện xã hội sẵn có, di truyền để giải đáp bí ẩn.

Một số dữ liệu y tế cho thấy nhiều quốc gia không bị dịch bệnh ảnh hưởng bởi có dân số trẻ.

Theo Robert Bollinger, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y khoa Johns Hopkins, người trẻ tuổi khi mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ hơn, ít khả năng lây nhiễm. Bên cạnh đó, họ hiếm khi có bệnh nền hay vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khiến Covid-19 chuyển nặng hoặc dẫn đến tử vong.   




Nhân viên y tế tiêu độc khử trùng trên đường phố Indonesia vào giữa tháng 3. Ảnh: NY Times

Nhân viên y tế tiêu độc khử trùng trên đường phố Indonesia vào giữa tháng 3. Ảnh: NY Times

Châu Phi hiện ghi nhận khoảng 45.000 ca dương tính nCoV, con số rất nhỏ so với 1,3 tỷ người cư trú. Đây là lục địa trẻ nhất thế giới, với hơn 60% dân số dưới 25 tuổi. Giới chức y tế Thái Lan, Iraq cũng phát hiện nhóm tuổi từ 20 đến 29 có nguy cơ nhiễm bệnh cao, song thường biểu hiện triệu chứng nhẹ.   

Ngược lại, độ tuổi trung bình ở Italy – một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, là 45. Độ tuổi tử vong trung bình nước này là 80.

Theo các chuyên gia Mỹ, bên cạnh độ tuổi, bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường và béo phì, phổ biến ở một số khu vực, cũng khiến Covid-19 chuyển biến nghiêm trọng hơn.   

Tuy nhiên, Nhật Bản là một ngoại lệ. Quốc gia có dân số già nhất thế giới chỉ ghi nhận gần 500 ca tử vong, mặc dù số bệnh nhân dương tính là hơn 14.000 người. Đây còn là ẩn số đối với các nhà khoa học.

Nhiều chuyên gia dịch tễ cho rằng khác biệt về văn hóa cũng ảnh hưởng đến mức độ lây lan của virus.

Tại Thái Lan và Ấn Độ, nơi số lượng người nhiễm và tử vong do Covid-19 tương đối thấp, người dân chào hỏi nhau từ xa, cử chỉ chắp tay trước ngực như đang cầu nguyện do ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo. Người Nhật Bản và Hàn Quốc thường chỉ cúi đầu khi gặp mặt và có thói quen đeo khẩu trang kể từ trước khi dịch bệnh bùng phát.   

Bên cạnh đó, tại các nước đang phát triển, việc chăm sóc người cao tuổi tại nhà là vô cùng phổ biến. Chính vì vậy số lượng viện dưỡng lão cũng ít hơn, vô tình giảm thiểu các cụm dịch khó kiểm soát, vốn đươc coi như “vùng xám” tại phương Tây.

Các quốc gia xa xôi và biệt lập, với nền kinh tế lạc hậu, ít thu hút khách du lịch cũng tránh được làn sóng Covid-19 “nhập khẩu” từ bên kia biên giới.   




Người dân Bangkok, Thái Lan đeo khẩu trang phòng ngừa Covid-19 khi đi tàu điện trên cao ngày 28/3. Ảnh: NY Times

Người dân Bangkok, Thái Lan đeo khẩu trang phòng ngừa Covid-19 khi đi tàu điện trên cao ngày 28/3. Ảnh: NY Times

Song ở nhiều nước Trung Đông, chẳng hạn Iraq và các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư, đàn ông thường ôm hôn hoặc bắt tay khi gặp mặt, nhưng hầu hết không nhiễm bệnh.

Theo các chuyên gia, dịch bệnh có chiều hướng lan nhanh hơn trong mùa đông, ảnh hưởng mạnh mẽ ở các nước ôn đới như Italy và Mỹ, hầu như không tác động đến những khu vực ấm hơn như Chad hay Guyana. Điều này cho thấy nCoV không thích ứng tốt với nhiệt độ cao.    Các loại virus corona khác, như cảm cúm thông thường, cũng ít lây lan hơn ở lục địa có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm.

Tuy nhiên nhiều nhà khoa học cảnh báo, kịch bản virus sẽ bị tiêu diệt khi thời tiết ấm lên chỉ là viễn cảnh lý tưởng. Một trong những ổ dịch lớn hiện tại là Brazil, nơi có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm hơn bất cứ quốc gia nào khác.

“Có thể dự đoán điều kiện của mùa hè sẽ hỗ trợ (công tác dập dịch), chứ không trực tiếp làm chậm hoặc giảm bớt các ca dương tính”, Marc Lipsitch, giám đốc Trung tâm Bệnh Truyền nhiễm, Đại học Harvard, cho biết.

Tiến sĩ Raul Rabadan, chuyên gia sinh học tại Đại học Columbia, nhận định nCoV dường như rất dễ lây lan. Song khí hậu ấm áp khiến người dân dành nhiều thời gian ra ngoài thay vì ở nhà. Điều này có thể giúp ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai, bởi sinh hoạt trong môi trường kín, thiếu ánh sáng mặt trời có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc tái nhiễm virus, ông nói.   

Theo nghiên cứu được giới chức Mỹ công bố hôm 23/4, nCoV có thể suy yếu nhanh chóng dưới điều kiện nhiệt độ, độ ẩm cao và tác động của tia cực tím từ ánh sáng mặt trời.   

Một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến mức độ lây lan của virus là công tác dập dịch. Các quốc gia ban hành lệnh giãn cách xã hội sớm và nghêm ngặt như Việt Nam hay Hy Lạp đã tránh được viễn cảnh dịch bệnh vượt ngoài tầm kiểm soát.




Đường phố Hà Nội ngày 16/4 vắng vẻ khi toàn quốc thực hiện lệnh giãn cách xã hội. Ảnh: Ngọc Thành

Đường phố Hà Nội ngày 16/4 vắng vẻ khi toàn quốc thực hiện lệnh giãn cách xã hội. Ảnh: Ngọc Thành

Ở châu Phi, với “kinh nghiệm cay đắng” trong dịch Ebola và HIV, các quốc gia phản ứng vô cùng nhanh chóng.

Nhân viên an ninh sân bay từ Sierra Leone tới Uganda đã bắt đầu kiểm tra thân nhiệt, tìm kiếm người tiếp xúc với các ca dương tính và đeo khẩu trang phòng bệnh từ rất lâu, trước khi Mỹ và châu Âu thực hiện các biện pháp này. Sénégal và Rwanda cũng đóng cửa biên giới, tuyên bố lệnh hạn chế đi lại ngay khi vẫn còn ít ca dương tính.

Cuối cùng, hầu hết chuyên gia đều thừa nhận dường như không thể lý giải sự chênh lệch lớn về diễn biến dịch bệnh ở các quốc gia bằng một nguyên nhân duy nhất. Họ thậm chí đề cập tới yếu tố may mắn.

Covid-19 vẫn có thể tiến triển khác nhau giữa các nước tương đồng về văn hóa hoặc khí hậu, nếu tồn tại “người siêu lây nhiễm”.   

Điều này xảy ra ở thành phố Daegu, Hàn Quốc. Một người phụ nữ 61 tuổi đã truyền bệnh cho hàng trăm tín đồ tại một nhà thờ, biến nước này trở thành một trong những ổ dịch lớn nhất châu Á hồi tháng 2.

Thục Linh (Theo NY Times)