Một số quốc gia ghi nhận lượng lớn người nhiễm nCoV không có nghĩa tình hình dịch bệnh ở đó nghiêm trọng hơn các nước khác.
Tính đến ngày 15/3, Ai Cập ghi nhận 67 ca, Ấn Độ 83 ca nhiễm vnCoV, những con số quá “bé nhỏ” so với Italy (hơn 21.600) và Hàn Quốc (hơn 8.000).
Tuy nhiên, một số ca Covid-19 cho thấy các số liệu sơ bộ không phản ánh chính xác dịch bệnh có lan rộng ở một quốc gia hay không.
Ngày 11/3, 9 người trong một nhóm du khách Hong Kong từng đến thăm Ai Cập đã được xác nhận nhiễm nCoV. Tuần trước, 2 người Hong Kong khác cũng dương tính nCoV sau chuyến du lịch tới Mumbai, Ấn Độ.
Sự khác biệt ở đây, theo các chuyên gia, chính là công tác xét nghiệm.
Người dân tại Hàn Quốc được xét nghiệm Covid-19. Ảnh: AFP |
Giáo sư Benjamin Cowling tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Hong Kong nhận định đại dịch lan rộng đến nhiều nước và sẽ còn tăng trong vài tuần tới. Khi đó, số lượng bệnh nhân thực tế ở một quốc gia phụ thuộc vào năng lực giám sát và năng lực xét nghiệm của nơi đó.
Cowling dẫn chứng, Hàn Quốc có số lượng bệnh nhân nhiều và tăng liên tục. Mặt khác, chính phủ nước này đã tiến hành một số lượng xét nghiệm khổng lồ trong cộng đồng.
Không ít chuyên gia cho rằng một số quốc gia có thể bị ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19 hơn Hàn Quốc, song số liệu thống kê lại thấp vì thực hiện ít xét nghiệm hơn.
Tính đến ngày 12/3, chương trình xét nghiệm sàng lọc hàng loạt của Hàn Quốc đã được áp dụng gần 249.000 công dân, tỷ lệ 4.831 trên một triệu dân. Con số cao hơn nhiều so với các quốc gia khác đã công bố dữ liệu về thử nghiệm. Trong khi đó, tỷ lệ xét nghiệm ở Italy là 1.422 trên một triệu dân.
Do vậy, tại một số thời điểm, Hàn Quốc là quốc gia có số ca bệnh cao nhất ngoài Trung Quốc. Vài ngày qua, số bệnh nhân Covid-19 nước này giảm dần và ngày 13/3 lần đầu ghi nhận số bệnh nhân phục hồi cao hơn so với trường hợp mắc mới.
Tại Ai Cập, 45 trong số 67 trường hợp nhiễm nCoV được xác nhận trên một du thuyền ở thành phố Luxor ngày 12/3. Ít nhất 40 du khách đến đất nước Kim tự tháp sau đó về nước đã xét nghiệm dương tính với nCoV, bao gồm các công dân Mỹ, Hy Lạp, Pháp và Hong Kong.
Trong khi đó, hơn 42 quốc gia châu Phi đã được đào tạo để xét nghiệm nCoV. Họ đang có khoảng 60.000 bộ dụng cụ xét nghiệm, ông John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) châu Phi, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Viện Sức khỏe Toàn cầu Harvard ngày 13/3. Tuy nhiên, ông Nkengasong cho rằng, thách thức bây giờ là nâng cao năng lực của đội ngũ y tế ở mỗi quốc gia.
Theo ông Nkengasong, nhu cầu lớn nhất của châu Phi là đảm bảo chất lượng xét nghiệm và độ chính xác trong chẩn đoán bệnh. Nhiều người có thể chưa xuất hiện triệu chứng rõ ràng và các bác sĩ khó lòng biết được. Nếu bỏ sót các trường hợp dương tính, bệnh nhân sẽ vô tình khiến virus lây lan trên diện rộng. Đây thực sự là viễn cảnh tồi đối với cộng đồng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gửi các bộ xét nghiệm chẩn đoán virus tới 120 quốc gia, trong đó có các nước khu vực Đông Nam Á, Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi và Đông Âu.
Tiến sĩ Tom Kenyon, người đã làm việc 21 năm tại CDC Mỹ, hiện là Giám đốc y tế của Dự án Y tế phi chính phủ Hope, cho biết châu Phi có thể là “tiền tuyến” tiếp theo trong cuộc chiến chống Covid-19. Ông lo ngại, nếu điều đó xảy ra, khả năng đối phó của các nước ở châu Phi, chẳng hạn như việc xét nghiệm, sẽ là một thách thức lớn.
Tuy nhiên, ông Cowling cho rằng các quốc gia có thể không cần phải kiểm tra từng người có triệu chứng và có thể xem xét giải pháp thay thế thích hợp hơn. Theo ông, các nhà khoa học muốn theo dõi liệu nCoV sẽ còn lan đến đâu và dịch bệnh tiến triển thế nào, nhưng đếm số ca bệnh không phải là cách tốt nhất để làm điều đó.
Ông đề xuất, biện pháp tốt hơn là tiếp cận có hệ thống và ước tính số người bị nhiễm bệnh theo thời gian.
Minh Ngân (Theo SCMP)