Dự thảo luật quy định: Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đang trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa các ca làm việc không được uống rượu bia.
Sáng nay 9-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Theo đó, dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm 7 chương 38 điều, quy định các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia, bao gồm: biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Công chức, người lao động không được uống rượu bia trong giờ làm việc
Dự thảo luật quy định 5 hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: sử dụng cồn công nghiệp, nguyên liệu, phụ gia không bảo đảm chất lượng, không được phép dùng trong thực phẩm để sản xuất, pha chế rượu, bia; kinh doanh rượu không có giấy phép; quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên dưới mọi hình thức; cấm ép buộc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia; cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về tác dụng của rượu, bia đối với sức khoẻ.
Luật cũng quy định các trường hợp không được uống rượu, bia bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đang trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa các ca làm việc; uống rượu, bia tại cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trại giam, trại tạm giam…
Về điều kiện kinh doanh rượu, luật quy định các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Riêng việc sản xuất rượu thủ công để bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã.
Cùng với đó, không được sử dụng lao động là người dưới 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
Việc sản xuất rượu thủ công sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm và có đăng ký sản xuất, kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền
Sản phẩm rượu được mua, bán phải phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân kinh doanh và tiêu dùng theo quy định của pháp luật.
Về chính sách trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, dự thảo luật đề cập tới việc thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý chặt chẽ nguồn cung cấp rượu, bia; tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình để giảm mức tiêu thụ rượu, bia; bảo đảm nguồn tài chính cho công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Theo kế hoạch, dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ được Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ ngày 12-11 và đưa ra thảo luận tại hội trường ngày 20-11.
Dự kiến luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020.
Điều 4. Quyền và nghĩa vụ của người dân trong việc sử dụng rượu, bia và phòng, chống tác hại của rượu, bia
1. Quyền của người dân: a) Được cung cấp thông tin một cách đầy đủ, khoa học, chính xác, khách quan về rượu, bia, nguồn gốc, chất lượng và tác hại của rượu, bia; b) Được bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong sử dụng rượu, bia theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; c) Được sống trong môi trường an toàn, không chịu ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia; d) Được phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi uống, bán rượu, bia tại địa điểm, trong thời gian có quy định cấm. 2. Nghĩa vụ của người dân: a) Tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, hướng dẫn về an toàn thực phẩm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong vận chuyển, lưu giữ, bảo quản và sử dụng rượu, bia; b) Tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia trong quá trình sản xuất, kinh doanh và sử dụng rượu, bia. (Trích dự thảo luật) |