“Các bệnh viện tuyến cuối vẫn cứ loay hoay vì quá tải, tập trung khám bệnh thông thường mỗi ngày 6 – 7 nghìn bệnh nhân, mất hết thời gian. Giờ cần giảm xuống khám 4 nghìn bệnh nhân để tập trung phát triển kĩ thuật cao. Các bệnh tiểu đường, huyết áp dân sau vẫn phải vất vả lên tuyến Trung ương, trong khi y tế cơ sở quản lý được?”.
Trạm y tế gần dân nhưng lại thiếu nhân lực
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến nhân rộng mô hình trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, tăng cường năng lực y tế cơ sở diễn ra ngày 14/11 với sự tham gia của hơn 700 điểm cầu truyền hình tại các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và các quận/huyện/thị xã/ thành phố trực thuộc tỉnh; hơn 12.000 đại biểu của cả nước tham dự.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Tiến cho biết, hiện nay vẫn tồn tại một thực tế là người dân chưa tin tưởng trạm y tế (TYT) xã nên vượt tuyến không cần thiết. Có đến 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện. Có 41,5% bệnh nhân đến KCB ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở TYT xã.
“Tôi đã trực tiếp hỏi bệnh nhân bị tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 xếp hàng lấy thuốc ở BV Bạch Mai, dân cũng kêu khổ quá, làm sao không phải hàng tháng vất vả lên Hà Nội lấy thuốc. Tại sao không đưa thuốc bảo hiểm này được xuống tuyến dưới? Đây là một bất cập mà Bộ Y tế sẽ làm việc với Bảo hiểm xã hội để giải quyết”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, kinh nghiệm các nước và thực tiễn cho thấy, có khoảng 80-90% người dân bị bệnh nhẹ đều có thể được khám và điều trị tại tuyến y tế cơ sở. Đây là tuyến chăm sóc hiệu quả cho người mắc các bệnh mạn tính, những bệnh nhẹ, tránh tốn kém tiền bạc, tránh bị bệnh nặng mới đi chữa bệnh.
Tuy nhiên tại Việt Nam, hoạt động y tế cơ sở còn chưa thu hút người dân. Trong đó yếu điểm nhất là mạng lưới 11 ngàn cơ sở y tế nhưng thu hút dân đến chưa cao. “Có địa phương muốn dẹp trạm y tế xã, nhưng không thể dẹp được vì nếu dẹp trạm y tế xã, ai lo tiêm chủng, ai đặt vòng tránh thai, ai chống dịch… chưa kể sau này là các hoạt động vận động người dân làm sao không béo phì, bớt nguy cơ tim mạch, cao huyết áp”, Bộ trưởng Tiến nói.
Hạn chế thứ hai của hệ thống y tế cơ sở, đó là chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, để người dân bệnh nặng mới đi khám. Theo Bộ trưởng, người bệnh vào viện suy tim, mổ tim là đã ngọn. Phải có các hoạt động sàng lọc sớm để phòng bệnh, như tiểu đường, huyết áp, ung thư vú để phát hiện sớm, không xảy ra bệnh nặng.
Các trạm y tế hiện cũng chưa quản lý được bệnh mãn tính, số lượng, chất lượng dịch vụ còn hạn chế cộng với nguồn nhân lực thiếu và yếu. Trạm Y tế xã chỉ thực hiện được 50-70% các dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến. Hiện tại, việc quản lý bệnh mạn tính, không lây nhiễm tại y tế cơ sở mới quản lý được 13,6% người bệnh tăng huyết áp; 28,9% người bệnh đái tháo đường.
Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn vào thực tế, nếu để cán bộ y tế suốt đời làm ở trạm y tế xã thì không thể giỏi được. Ở các nước, như Thái Lan, bệnh viện huyện hàng tuần đều phải xuống trạm y tế khám chữa bệnh cho nhân dân. Cần có sự liên thông giữa trạm y tế, bệnh viện huyện.
Hiện ở Việt Nam đã có 26 trạm y tế kí kết với trung tâm y tế huyện để bác sĩ về cầm tay chỉ việc giai đoạn đầu. Với chính sách BHYT, cơ sở vật chất hiện đại, trang thiết bị khá đồng bộ, chuyển giao được nhiều kỹ thuật, gắn bảo hiểm thụ hưởng tốt, bước đầu TYT xã/phường cũng đã thu hút được người bệnh đến khám và điều trị. Một số TYT xã tại Ba Vì, Bạc Liêu, Đồng Tháp họ làm xã hội hóa rất tốt, thu hút 100 người khám/ngày.
“Trạm y tế xã khang trang, gần dân thế, phải đẩy nhân lực xuống trạm y tế, huyện, nhất là trong quản lý các bệnh mãn tính để người dân không phải khổ lên tận tuyến trung ương lấy thuốc”, Bộ trưởng Tiến nói.
Nghịch lý trong y tế
Bộ trưởng cũng chỉ ra thực tế hiện nay chi phí cho trạm y tế rất thấp, khiến các nước gọi Việt Nam là không thông minh. “Chúng ta chỉ chi cho y tế xã phường 3% chi phí, trong khi ở các nước phát triển chi cho phòng khám tuyến dưới đến 39%. Trạm y tế chúng ta bị xuống cấp, nhà vệ sinh không đảm bảo, dụng cụ cũ, nhân viên y tế chưa biết sử dụng dụng cụ, chính sách chế độ chưa thoải đáng. Chúng tôi nhận thức rõ những bất cập này và cần phải có lộ trình, nguồn lực để dần thay đổi”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, trước mắt, để phát triển nguồn nhân lực cho trạm y tế xã, Bộ Y tế đề nghị đào tạo trực tuyến 100% trạm y tế xã ngoài các tỉnh điểm. Tập huấn trước mắt 5 ngày về các bệnh không lây nhiễm. Bộ Y tế có trách nhiệm cử cán bộ trung ương về chuyển giao cho huyện, trạm y tế xã giai đoạn này. Các BV tỉnh cũng cần chủ động cử bác sĩ về cầm tay chỉ việc.
Bên cạnh đó, phải làm tốt việc quản lý bệnh mãn tính, chuyển thuốc theo danh mục đến trạm y tế.
Bộ trưởng Tiến cũng cho rằng hiện giờ chúng ta đang yếu trong truyền thông giáo dục sức khỏe. BYT quan điểm truyền thông phải đi trước một bước, hãy tuyên truyền để người dân bớt ăn mặn, bớt ăn đường, giảm đồ béo, đi bộ thật nhiều, tận dụng chỗ nào đi bộ được là đi cùng với sàng lọc sớm sẽ phòng bệnh tốt.
Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành y tế phải quyết liệt nhân rộng nhanh mô hình trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình. 10 năm tới sẽ phải hình thành mạng lưới y tế cơ sở phủ gần khắp toàn quốc. Vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân, chúng ta phải tăng cường y tế cơ sở mà mô hình đơn giản nhất là sẵn có TYT xã/phường.
Tuy nhiên hiện nay, mới có 36/63 tỉnh, thành có kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo tỉnh, huyện để triển khai Quyết định 2348 của Bộ Y tế về đưa mục tiêu Nghị quyết 20, 21 vào y tế cơ sở. Bộ trưởng đề nghị Sở Y tế 27 tỉnh/thành còn lại phải tham mưu cho chính quyền địa phương nhanh chóng xây dựng đề án.
Hồng Hải