Theo các chuyên gia, người dân tuyệt đối không tự ý dùng bia để thải độc rượu. Khi có dấu hiệu ngộ độc rượu, bia thì phải đến ngay cơ sở y tế để được xử lý, điều trị kịp thời.
Chiều nay, ngày 11/1, Bộ Y tế tổ chức họp báo để thông tin về vụ việc chữa ngộ độc rượu bằng truyền 5 lít bia tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị được báo chí đưa tin ngày 10/1.
Ngộ độc rượu methanol, xử trí bằng cách lọc máu vẫn phải ưu tiên hàng đầu
Theo các chuyên gia người dân tuyệt đối không dùng bia để thải độc rượu. Khi người nghi ngờ có dấu hiệu ngộ độc do uống rượu, bia thì phải đến ngay cơ sở y tế để được xử lý, điều trị kịp thời.
Th.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, theo hướng dẫn xử trí ngộ độc Methanol của Bộ Y tế, lọc máu cấp cứu là biện pháp quan trọng hàng đầu và quyết định việc đào thải Methanol ra khỏi cơ thể người bệnh.
Ngoài ra, trong quá trình lọc máu thải độc, Ethanol cũng có thể được sử dụng theo đường tiêu hóa để tranh chấp chuyển hóa với Methanol có trong máu.
“Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời và trì hoãn việc chuyển hóa Methanol thành chất độc axit formic và format gây hại cho người bệnh và phải thực hiện theo dõi sát tại cơ sở y tế có đủ điều kiện, theo hướng dẫn chuyên môn và chỉ định của bác sĩ”, ông Khoa nói.
Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bạch Mai cho biết, Methanol là cồn thường sử dụng trong công nghiệp, bị nghiêm cấm sử dụng trong pha chế, sản xuất rượu, thực phẩm. Methanol khi vào cơ thể chuyển hóa thành chất độc gây độc cho hệ thần kinh, gây tổn thương não, tổn thương não, tổn thương võng mạc dẫn đến mù lòa, nặng hơn là suy đa phủ tạng và tử vong.
“Ngộ độc Methanol khác hẳn Ethanol xảy ra rất nặng và nguy hiểm, thậm chí mất mạng khi không được cấp cứu kịp thời”, bác sĩ Nguyên nói.
Hiện nay, xử lý ngộ độc Methanol ưu tiên hàng đầu gồm: cấp cứu hồi sức, thuốc giải độc, lọc máu. Thuốc giải độc tốt nhất fomepizole như loại thuốc này rất đắt vài trăm triệu/lần.
Loại thuốc thứ hai Ethanol (đường truyền và uống). Ethanol đường tỉnh mạch rất an toàn nhưng thường không có sẵn. Còn Ethanol đường uống như bia thì có sẵn nhưng tự dùng sẽ rất nguy hiểm.
“Việc bác sĩ dùng Ethanol đường uống bằng rượu, bia chỉ là biện pháp tạm thời, rất ngắn làm chậm quá trình chuyển hóa thành chất độc, để bác sĩ có thời gian cứu bệnh nhân. Tôi khẳng định đây chỉ là biện pháp hỗ trợ, lọc máu thải độc vẫn phải ưu tiên hàng đầu”, bác sĩ Nguyên cho biết.
Chuyên gia khuyến cáo nguy cơ ngộ độc Methanol là uống các loại rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc.
Không thể uống bia để giải độc rượu
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế cho hay, có hai trường hợp ngộ độc rượu là ngộ độc Ethanol (có trong rượu, bia thật) nếu người uống sử dụng ở mức độ nhiều.
Loại ngộ thứ 2 là Methanol, có trong rượu giả, không rõ nguồn gốc. Chỉ trong trường hợp ngộ độc Methanol mới dùng chất hỗ trợ chất Ethanol. Đây là phương pháp người dân không được tự ý áp dụng tại nhà. Tuy nhiên, hiện nay, phác đồ giải độc Methanol của Bộ Y tế vẫn là ưu tiên lọc máu và các biện pháp khác, sau đó mới đến biện pháp dùng Ethanol.
Việc người dân cho rằng uống rượu gần say lại chuyển sang bia để giải độc sẽ rất nguy hiểm.
Vì theo bà Trang dù uống rượu hay bia đều quy về đơn vị cồn tức là đều gây hại cho cơ thể. Nếu cơ thể không thải độc hết gây ra ngộ độc nghiêm trọng cho bệnh nhân.
Th.s Nguyễn Trung Nguyên cũng khuyến cáo: “Đây là cách giải độc “đặc biệt” người đọc đọc để biết, tuyệt đối không nên áp dụng tại gia đình”