“15 ngày tới là thời gian quyết định chúng ta có ngăn chặn được dịch Covid-19 hay không. Những thành phố trực thuộc Trung ương với đặc điểm mật độ dân cư, hoạt động tiếp xúc cao nên cần đặc biệt lưu ý”, Thủ tướng chỉ đạo.
Ngày 23/1, Việt Nam ghi nhận ca đầu tiên mắc virus corona. Đó là người đàn ông đến từ Vũ Hán, Trung Quốc. Hơn 3 tháng chạy đua với “làn sóng” Covid-19 từ Trung Quốc và châu Âu, số ca bệnh ở nước ta tính đến sáng 30/3 là 194.
Kể từ lúc 16 bệnh nhân của giai đoạn 1 xuất viện, số người mắc virus đã tăng thêm 178 người. Điều may mắn là đến thời điểm này, Việt Nam chưa có trường hợp nào tử vong, thêm 8 bệnh nhân xuất viện và nhiều ca nhiễm có kết quả xét nghiệm âm tính.
Tại cuộc họp ngày 27/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trước mắt trong nửa tháng tới và có thể kéo dài thêm, chúng ta phải tập trung mọi sức lực, mọi biện pháp để chống dịch, coi đó là nhiệm vụ số 1 ở nước ta hiện nay.
Trong 90 ngày qua, toàn quốc đã đồng lòng đồng sức chống dịch ở quy mô chưa có tiền lệ.
Để dập tắt ảnh hưởng của dịch bệnh, có 3 yếu tố quan trọng cần đạt được: Ngăn việc gia tăng nguồn bệnh từ bên ngoài; Xử lý số ca nhiễm bệnh hiện có; Ngăn nguồn bệnh chưa bị phát hiện trong nước lây lan ra.
2 tuần – 14 ngày – được xem là thời gian ủ bệnh tiêu chuẩn của virus SARS-CoV-2. Trong 14 ngày này, dù vô tình hay cố ý, người che giấu bệnh và người không biết bị nhiễm bệnh gián tiếp đều sẽ lộ diện.
Việc ngăn chặn gia tăng nguồn bệnh từ bên ngoài đã được Chính phủ làm quyết liệt từ ngày 22/3, tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam.
Đến hiện tại, có thể nói nguy cơ mầm bệnh trên các chuyến bay mang về Việt Nam sau 0h ngày 22/3 đã được chặn đứng. Chính phủ cùng các ngành, địa phương dồn sức vào “diệt” và phòng virus trong nước.
Phát biểu kết luận cuộc họp của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 ngày 27/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong 10-15 ngày tới sẽ quyết định thất bại hay thành công trong chống dịch Covid-19.
Vì vậy, các cấp, các ngành, hệ thống chính trị “đã quyết liệt rồi, chặt chẽ rồi thì càng quyết liệt, chặt chẽ hơn, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân”.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam kiên trì nguyên tắc chống dịch “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch”. Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp không cách ly, không khai báo, gây hậu quả phải xử lý hình sự.
Về các biện pháp cấp bách, tạm thời trong lúc dịch sang giai đoạn mới, Thủ tướng nhấn mạnh sự đồng lòng, chung tay vào cuộc, nghiêm túc, quyết liệt trong phòng chống dịch, đặc biệt là sự phối hợp trong nhân dân rất quan trọng.
Theo chỉ thị của Thủ tướng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người từ 0h ngày 28/3 đến ngày 15/4.
Cụ thể, dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 m giữa mỗi người tại các địa điểm công cộng.
Đường qua hầm Thủ Thiêm không còn nhiều xe cộ trong giờ cao điểm. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng. Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác. Bộ GTVT chỉ đạo hạn chế các chuyến bay và các hoạt động vận chuyển hành khách từ Hà Nội, TP.HCM đến các nơi khác trên toàn quốc. Tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, các cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung tăng cường năng lực xét nghiệm tại chỗ để xét nghiệm nhanh các ca nghi ngờ, quan tâm tập huấn nghiệp vụ, phác đồ điều trị cho lực lượng y tế, kể cả cho cán bộ y tế đã nghỉ hưu; quan tâm động viên, bảo đảm trang bị, trang phục phòng hộ cho cán bộ y tế, quân đội, công an… trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống dịch, ngăn ngừa lây nhiễm chéo.
Về các “ổ dịch” lớn của cả nước, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Công an, UBND TP Hà Nội, UBND TP.HCM tập trung, dồn lực xử lý triệt để các “ổ dịch” tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), quán bar Buddha (quận 2, TP.HCM); khẩn trương truy vết, áp dụng ngay các biện pháp phù hợp đối với tất cả trường hợp có nguy cơ, tiếp xúc với người bệnh, người qua lại “ổ dịch” theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc dập các ổ dịch có tính quyết định khi dịch đã lây lan ra cộng đồng. Chúng ta đã làm tốt với ổ dịch tại Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), ổ dịch ở Bình Thuận và chuyến bay VN54… Hiện, có 2 ổ dịch cần đặc biệt lưu ý là ổ dịch ở quán bar Buddha TP.HCM và Bệnh viện Bạch Mai.
Theo Phó thủ tướng, Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối, mỗi ngày có hàng nghìn người qua lại. Tới đây, nhất định phải quyết liệt hơn, lên danh sách toàn bộ những người đã đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3 đến nay và tỉnh thành nào có đều phải vào cuộc quyết liệt chứ không chỉ TP Hà Nội. Các lực lượng phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để dập bằng được ổ dịch này.
Những cố gắng ngăn chặn dịch bệnh từ nước ngoài về và xử lý các ca dương tính đã phát hiện sẽ “đổ sông đổ biển” nếu không ngăn virus còn lại lây lan trong cộng đồng.
Theo báo cáo của Bộ Y, ở Việt Nam đã xuất hiện tình hình dịch lây lan trong cộng đồng và có diễn biến phức tạp trong thời gian tới đây do các trường hợp bệnh xâm nhập từ nước ngoài chưa được sàng lọc, phát hiện, hoặc các trường hợp xâm nhập có mang virus nhưng không có triệu chứng lâm sàng.
Báo cáo thống kê cho thấy có tới 60,1% trường hợp không có triệu chứng khi phát hiện, điều này gây khó khăn cho việc phòng, chống. Nếu tính hệ số lây nhiễm là 2,5 (1 người lây cho 2,5 người), ước tính số nhiễm Covid-19 ở cộng đồng sẽ khá cao.
Do đó, mối lo ngại chúng ta đang đối mặt là có nhiều “ổ dịch” có nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu vực, lan từ địa phương này sang địa phương khác và cả những người ở trong khu cách ly sẽ có khả năng bộc phát bệnh.
Binh chủng hóa học khử trùng Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Việt Linh. |
Tại TP.HCM, “ổ dịch” tại quán bar Buddha (quận 2) vẫn đang tiếp tục lây lan và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngành y tế đã xác định 13 trường hợp dương tính với Covid-19 liên quan quán bar này gồm các bệnh nhân số 91, 97, 98, 120, 124, 125, 126, 127, 151, 152, 157, 158, 159.
Trong đó, 9 người từng đến dự tiệc St. Patrick’s Day tại bar Buddha ngày 14/3. 4 người còn lại là những ca F1 bị lây nhiễm.
Đến giờ, ngành y tế TP.HCM vẫn chưa thể xác định nguồn lây nhiễm đầu tiên tại quán bar này, do trong 13 ca dương tính có tới 11 người nước ngoài. Nhiều người trong số đó từng liên tục di chuyển giữa các quốc gia đang có dịch như Malaysia, Thái Lan, Anh, Canada…
Ổ dịch tại quận 8 – nơi có nhiều người từng tham dự sự kiện tôn giáo tại Malaysia, cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Khu dân cư này có 140 hộ với 725 nhân khẩu đã bị phong tỏa khi phát hiện bệnh nhân 100 dương tính Covid-19 sinh sống tại đây. 129 người liên quan bệnh nhân này cũng đã được đưa đi cách ly tập trung.
Tại Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai đang được đánh giá là “ổ dịch” lớn nhất, nguy hiểm nhất cả nước. Tính đến hiện tại, đã có 17 người nhiễm Covid-19 từ bệnh viện này và con số vẫn chưa dừng lại.
Bộ Y tế đã thành lập một tổ công tác đặc biệt, một tổ điều tra dịch tễ tại bệnh viện này. Tất cả y tá, bác sĩ, nhân viên, bệnh nhân đã được cách ly, xét nghiệm.
Tuy nhiên, Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở y tế lớn, mỗi ngày có từ 10.000 đến 15.000 người qua lại, không loại trừ nguy cơ lây nhiễm không chỉ từ bệnh nhân, cán bộ y tế mà còn cả từ người đến thăm, người đến khám bệnh. Vì vậy, nguy cơ lây nhiễm ở Bệnh viện Bạch Mai cũng như các bệnh viện khác là rất lớn.
“Với trường hợp Bệnh viện Bạch Mai và quán bar Buddha phải có phương án riêng trên tinh thần tìm ra, khoanh lại, cách ly quyết liệt, diện rộng bằng công nghệ và các phương pháp khác để giảm thiểu lây nhiễm từ các ổ dịch này”, Thủ tướng yêu cầu trong cuộc họp trực tuyến với 5 thành phố trực thuộc Trung ương ngày 29/3.
Xác định tinh thần “chống dịch như chống giặc” và xem 2 tuần này là thời điểm quyết định trong việc chặn dịch Covid-19, Hà Nội, TP.HCM và các địa phương trong cả nước đã đồng loạt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ.
Hà Nội, TP.HCM đã ra lệnh tạm đóng cửa các khu vui chơi giải trí, quán bia, nhà hàng (công suất phục vụ 30 người trở lên), câu lạc bộ bi-a, thể hình, cơ sở làm đẹp…
Những người ra đường, đến nơi công cộng bắt buộc phải đeo khẩu trang, nếu không sẽ bị cưỡng chế đeo và bị xử phạt. Tại phường Trúc Bạch (Hà Nội), chính quyền đã tiến hành xử phạt 3 người không đeo khẩu trang.
“Ổ dịch” Bệnh viện Bạch Mai đã được Binh chủng Hóa học khử trùng, tẩy độc ngay trong đêm 28/3.
Chủ tịch UBND Hà Nội chỉ đạo Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tiếp tục rà soát toàn bộ các trường hợp đến, thăm, chăm sóc bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai các ngày 10-25/3, sử dụng dịch vụ tại căn tin bệnh viện, lập tức thực hiện việc tự cách ly y tế tại nhà và liên hệ với Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố để được tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm.
“Nếu cách ly tốt, người dân chấp hành tốt thì chỉ có điểm dịch nhỏ, ta có thể ngăn chặn và xử lý ngay. Còn nếu để thành ổ dịch lớn thì ta sẽ như Vũ Hán”, Chủ tịch Hà Nội cảnh báo.
Bên cạnh đó, ngày 29/3, Bộ GTVT có công điện hỏa tốc chỉ đạo Tổng cục Đường bộ dừng hoạt động xe khách hợp đồng trên 9 chỗ để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 giữa Hà Nội, TP.HCM với các địa phương.
Cụ thể, từ 0h ngày 30/3 đến hết ngày 15/4, Bộ GTVT yêu cầu sở GTVT các địa phương tạm dừng toàn bộ hoạt động của xe hợp đồng và xe du lịch trên 9 chỗ có điểm đi/đến Hà Nội và TP.HCM. Trường hợp đặc biệt, các Sở GTVT phải báo cáo Tổng cục Đường bộ để xem xét giải quyết.
Với các tuyến xe khách cố định đi/đến Hà Nội, TP.HCM, Bộ yêu cầu chỉ chạy tối đa 2 chuyến/ngày với các tuyến dưới 100 km. Các tuyến còn lại (từ 100 km trở lên) chỉ được chạy tối đa một chuyến/ngày. Nhà xe phải đảm bảo số hành khách trên một chuyến không quá 50% số ghế và không quá 20 người.
Trong công văn, Bộ GTVT cũng chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam kể từ 0h ngày 30/3 đến hết ngày 15/4 phải dừng toàn bộ hoạt động của tàu khách địa phương. Đối với tàu khách Bắc – Nam chỉ được khai thác tối đa 2 đôi tàu/ngày (2 chuyến Hà Nội đi TP.HCM và 2 chuyến ngược lại).
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng chỉ đạo tạm dừng các phương tiện vận tải hành khách như xe buýt, xe khách liên tỉnh tại thành phố trong 2 tuần. Các phương tiện vận tải công nghệ ngoại trừ các xe giao hàng cũng hạn chế hoạt động.
Ông Phong yêu cầu UBND các quận, huyện, phường, xã trên địa bàn không để diễn ra tình trạng tụ tập đông người, tăng nguy cơ lây nhiễm chéo dịch Covid-19. Theo đó, những nhóm tụ tập trên 20 người nơi công cộng và 10 người tại trường học, công sở sẽ bị xử lý nghiêm.
Rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị trong cả nước đã cho người lao động chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến để hạn chế việc tụ tập đông người. Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự tạm ngưng các hoạt động có tập trung nhiều người.
Ngành giáo dục cũng tiếp tục kéo dài thời gian cho học sinh nghỉ để đảm bảo an toàn trước tình hình dịch bệnh gia tăng.
Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với 5 thành phố lớn sáng 29/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại câu “hiểu ta, hiểu địch, trăm trận trăm thắng”. Ông cho rằng trận đầu chúng ta đã thắng nhờ nhận diện “dịch như giặc” và chủ động tấn công giặc. Lần này, dịch đến từ nhiều nguồn, nhiều hướng, mức độ phức tạp hơn nên cần triển khai cùng lúc nhiều mặt trận.
“Điều hệ trọng lúc này là trên dưới đồng lòng, tất cả cùng đoàn kết, hiệp đồng tác chiến, phản ứng nhanh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa với từng tình huống. Có như vậy, chúng ta có niềm tin chiến thắng đại dịch Covid-19”, Thủ tướng nói.