Thận có hình hạt đậu, dài 12cm, rộng 6cm, dày 3cm, nặng khoảng 150g. Mỗi người có hai quả thận, có vai trò quan trọng trong hệ tiết niệu. Thận lọc máu, giúp cân bằng điện giải, cân bằng nội môi, điều hòa áp suất thẩm thấu, chuyển hóa trong cơ thể. Thận là cửa ngõ đào thải chất độc ra ngoài cơ thể. Một khi thận suy yếu, khả năng thanh lọc và đào thải kém, thì chất độc tích tụ trong người, rối loạn điện giải, rối loạn toàn bộ hoạt động của các cơ quan tuần hoàn, tiêu hóa, hô hấp… đe dọa sự sống.

Chức năng lọc của thận do các cầu thận đảm nhận. Bình thường, có khoảng 1200 ml máu chảy qua hai thận của chúng ta, tương ứng có 125ml huyết tương được lọc qua cầu thận. Trong 1 ngày đêm, tại hai thận có khoảng 180 lít dịch được lọc. Sau quá trình tái hấp thu chỉ có một lượng nhỏ (1-1,5 lít) nước tiểu được đào thải. Lúc này, thành phần cơ bản của nước tiểu bao gồm: Na+, Cl, Ca2+, NH4+, Mg2+, PO43- , SO42-…, ure, creatinin, acid uric, acid amin

Khi chức năng thận không bảo đảm được hoạt động sinh lý bình thường thì chất thải và dịch cơ thể sẽ tích tụ lại gây nên tình trạng phù thũng được biểu hiện dấu hiệu mắt cá chân sưng lên, nôn mửa, suy nhược, mất ngủ, khó thở… Nếu không điều trị kịp thời thì thận sẽ bị tổn thương, không thực hiện được chức năng dẫn đến tình trạng suy thận làm ảnh hưởng đến sức khỏe kể cả tính mạng.

Tại Việt Nam có gần 100.000 người suy thận ở giai đoạn cuối cần điều trị. Việc thay, ghép thận chi phí rất cao, nên bệnh nhân chủ yếu điều trị bằng kỹ thuật lọc máu, tức là chạy thận nhân tạo.

CHẠY THẬN NHÂN TẠO LÀ GÌ?

Khi thận đã không còn khả năng bài tiết nước tiểu và lọc máu thì chạy thận nhân tạo sẽ giúp đào thải lượng nước dư thừa, độc tố, muối, các chất thải khác ra bên ngoài. Giúp giữ lại một số chất bicarbonate, natri, kali trong máu ở mức an toàn và cân bằng huyết áp. Chính nhờ phương pháp lọc máu bằng thận nhân tạo nên cuộc sống của hàng trăm ngàn người bị suy thận ở giai đoạn cuối được cải thiện và cứu sống, kéo dài thêm tuổi thọ

Bệnh nhân khi chạy thận nhân tạo thường dễ gặp phải các hiện tượng tụt huyết áp, chuột rút, buồn nôn, nhức đầu,…Ngoài ra, một vài trường hợp có thể xảy ra các biến chứng nghiêm trọng như co giật, đờ đẫn và hôn mê. Hoặc xảy ra phản ứng màng lọc loại phản vệ có thể gây ngưng tim, thậm chí là tử vong.

Do đó, để có thể bảo vệ sức khỏe, duy trì hiệu quả của chạy thận nhân tạo, người bệnh cần được thực hiện chạy thận ở bệnh viện uy tín, có đội ngũ bác sĩ trình độ cao. Bản thân người bệnh phải tuân thủ theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học, loại bỏ các căng thẳng, giữ tinh thần lạc quan, thoải mái nhất.

Kỹ thuật điều trị thận nhân tạo tại khoa Nội Thận Tiết niệu – Bệnh viện đa khoa Đức Giang đã được đi vào hoạt động từ ngày 05/10/2011. Khoa Nội Thận Tiết niệu được tổ chức theo mô hình khép kín hoàn thiện với 18 giường bệnh nội trú, 19 giường bệnh ngoại trú, và 19 máy thận nhân tạo cùng đầy đủ các bộ phận nội thận-tiết niệu, lọc máu, có chức năng thu dung, điều trị bệnh nhân mắc các bệnh thận cấp và mãn tính, lọc máu cấp cứu và lọc máu chu kỳ cho bệnh nhân suy thận và mãn tính.

Hiện tại, khoa quản lý và điều trị trên 120 bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối điều trị thận nhân tạo chu kỳ, bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 60 lượt bệnh nhân đến chạy thận. Hàng tháng, có khoảng 10 bệnh nhân suy thận cấp được điều trị tại khoa.

Nằm ở trung tâm của bệnh viện, khoa Nội Thận Tiết niệu được trang bị hệ thống phòng bệnh khang trang, sạch sẽ, giường nằm, máy lạnh được thiết kế phù hợp tạo sự thoải mái nhất cho bệnh nhân khi tới khám và điều trị. Đồng thời, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân khu vực địa bàn quận Long Biên, huyện Gia Lâm,… và các tỉnh thành lân cận. Góp phần giảm chi phí đi lại, ăn ở cho bệnh nhân và giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Trường hợp bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được hưởng các quyền lợi theo đúng quy định của luật BHYT hiện hành.