Người chạy thận nhân tạo cần ăn ít đạm, muối, tăng canxi và vitamin, uống nước vừa phải.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy, Khoa Lọc máu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bất kỳ loại bệnh nào. Người mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ cũng cần chế độ ăn thích hợp.
Theo bác sĩ Thúy, bệnh nhân thận mạn – lọc máu chu kỳ cần ăn giảm đạm. Đạm có vai trò xây dựng và tái tạo tế bào cơ thể. Tuy nhiên, thận yếu không đào thải được chất do chuyển hóa đạm sinh ra như ure, acid uric. Do đó, người bệnh cần ăn giảm đạm.
Lượng đạm giảm phụ thuộc vào số lần lọc máu mỗi tuần. Bệnh nhân chạy thận một lần một tuần, lượng đạm cần 1g/kg cân nặng một ngày. Chạy thận 2 lần mỗi tuần, lượng đạm hàng ngày nên ăn là 1,2 g/kg cân nặng. Bệnh nhân chạy thận 3 lần một tuần cần 1,4 g đạm trên một kg cân nặng.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo cần chú ý chế độ ăn. Ảnh: Lê Nga. |
Bác sĩ Thúy cho biết bệnh nhân cần phải ăn đủ năng lượng. Vì giảm đạm nên cần tăng cường nhóm tinh bột, đường và chất béo để tránh suy dinh dưỡng. Bạn cũng cần ăn giảm muối với tối đa 3 g mỗi ngày, giảm phốt pho, tăng canxi.
Bệnh nhân chạy thận nên ưu tiên thực phẩm đạm động vật (thịt, cá, trứng, sữa…, hạn chế thực phẩm giàu đạm nguồn gốc thực vật (đậu, đỗ, vừng, lạc). Nên ăn ngũ cốc có hàm lượng đạm thấp như khoai củ (khoai sọ, khoai lang, sắn,…). Ăn dưới 200 g gạo, mì mỗi ngày, rau củ như bầu, bí, mướp, dưa chuột, cải trắng, cải cúc, cải bắp, su su. Hạn chế ăn rau củ có hàm lượng đạm cao như rau muống, rau ngót, rau dền, giá đỗ, rau đay, mồng tơi, cải xanh.
Tránh ăn hoặc uống thực phẩm chứa muối như dưa muối, cà muối, thịt cá muối…, thực phẩm chế biến sẵn như giò, chả, thịt hun khói, thịt hộp, xúc xích…
Hạn chế thực phẩm giàu phốt pho như tạng động vật, chocolate, ca cao… Đặc biệt, hạn chế thức ăn chứa nhiều kali như cam, chuối, quả bơ, hạt họ đậu, dâu, nho khô và tăng thực phẩm giàu can xi như sữa, cá con, cua….
Bệnh nhân cũng chú ý uống nước lượng vừa phải, không uống quá nhiều.