Với người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên, nếu khám chữa bệnh đúng tuyến, số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở.
Ngày 1.1.2019, Bộ Y tế cho biết Thông tư 39/2018/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện (BV) cùng hạng trên toàn quốc (thay thế Thông tư 15/TT-BYT ngày 30.5.2018) có hiệu lực thi hành từ ngày 15.1.2019.
Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở y tế, đơn vị, tổ chức và cá nhân có tham gia vào quá trình KCB và thanh toán, quyết toán chi phí KCB theo chế độ BHYT. Giá các dịch vụ KCB quy định tại thông tư này được xây dựng trên cơ sở chi phí trực tiếp và tiền lương để bảo đảm cho việc khám bệnh, chăm sóc, điều trị người bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế.
So với các quy định hiện hành, không thay đổi cơ cấu giá KCB mà chỉ thay đổi mức lương cơ sở tính vào giá dịch vụ từ 1,15 triệu đồng (theo quy định tại Nghị định số 66/2013/NĐ-CP ngày 27.6.2013) sang mức lương cơ sở 1,39 triệu đồng (theo quy định tại Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15.5.2018).
Theo đó, mức giá điều chỉnh tăng bình quân 3,23%, trong đó giá khám bệnh, giường/ngày tăng bình quân 11,1%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 3,01%.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, điều chỉnh tăng giá lần này sẽ không ảnh hưởng đến người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng KT-XH khó khăn, người sinh sống ở vùng KT-XH đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng… vì được ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi KCB được BHYT thanh toán 100%.
Đối với người cận nghèo, chỉ phải đồng chi trả 5% (trong khi tỷ lệ điều chỉnh giá tăng bình quân 3,23%) nên mức độ tác động không đáng kể. Với trường hợp có thẻ BHYT, phải đồng chi trả 20% chi phí KCB BHYT có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều vì phần đồng chi trả chỉ tăng bình quân 3,23% trong số đồng chi trả 20% đó.
Đáng chú ý, với người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên, nếu KCB đúng tuyến, số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở.
Bên cạnh đó, Thông tư 39/2018 cũng quy định các cơ sở KCB phải sử dụng số kinh phí tương đương với chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ đã kết cấu trong giá dịch vụ khám bệnh, ngày giường điều trị (BV hạng đặc biệt, hạng 1, hạng 2 tương đương với 5% mức giá; BV hạng 3, hạng 4, chưa phân hạng tương đương với 3% mức giá) để sửa chữa, nâng cấp, mở rộng khu vực khám bệnh, các khoa điều trị… bảo đảm điều kiện chuyên môn, vệ sinh, an toàn người bệnh và nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.