• Lê Thị Bích Hà :
  • Chào bác sĩ. Con trai em được 18 tháng tuổi, tình cờ gần đây phát hiện cháu bị thận móng ngựa (đã siêu âm và lấy máu, lấy nước tiểu để xét nghiệm để kiểm tra chức năng thận tại Bệnh viện Đại học Y dược tp. HCM). Bác sĩ tại đây kết luận bé bị thận móng ngựa dính nhau ở cực dưới , vắt qua xương sống, vậy bác sĩ cho em hỏi: 1) Thận móng ngựa sẽ gây ra nhiều bệnh lí về thận, nên có thể làm phẫu thuật tách rời 2 thận ra như một người bình thường không? Nếu ở Việt Nam không cắt được thì có nước nào phẫu thuật tách được không? 2) Thận móng ngựa có gây vô sinh không? Tỉ lệ vô sinh là bao nhiêu? Em chỉ có một đứa con trai nên bao nhiêu tiền em cũng ráng chạy chữa cho cháu. Mong hồi âm của bác sĩ, em cảm ơn bác sĩ.
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Thận móng ngựa là một tình trạng bẩm sinh, khi hai thận có thể dính vào nhau tạo thành hình móng ngựa trong quá trình phát triển bào thai. Tình trạng này thường không có triệu chứng và không có phương pháp điều trị đặc hiệu nào để giải quyết. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể có cảm giác đau bụng, buồn nôn, hay bị nhiễm khuẩn tiết niệu hay sỏi thận-tiết niệu hơn so với quần thể bình thường, hoặc các bệnh lý tim mạch, thần kinh, sinh dục-tiết niệu, xương hay hệ tiêu hóa kèm theo. Việc điều trị thường là triệu chứng hoặc giải quyết các tình trạng bệnh lý đi kèm nêu trên. Khi phải can thiệp lên thận móng ngựa (ví dụ sỏi thận), việc hiện hình rõ thận, đường tiết niệu và các mạch máu là rất quan trọng để có cách tiếp cận phù hợp. Nếu bệnh nhân chỉ có thận móng ngựa đơn thuần, không kèm theo các bệnh lý nhiễm sắc thể hay các bệnh lý đi kèm khác, chức năng sinh sản không bị ảnh hưởng.
  • Một số bệnh nhân có thận móng ngựa có thêm các bệnh lý nhiễm sắc thể hoặc u đi kèm, cần được thăm khám và phát hiện ra các tình trạng bệnh lý này để có kế hoạch theo dõi, xử lý và hỗ trợ phù hợp.
  • Nguyễn Trung Nam :
  • Xin cho hỏi. Bệnh nhân điều trị bằng phương pháp thẩm phân phúc mạc thì mua máy ở đâu và chi phí như thế nào. Xin chân thành cám ơn!
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Thẩm phân phúc mạc có thể được thực hiện bằng hai cách: thủ công và bằng máy. Máy thẩm phân phúc mạc hiện do công ty Baxter cung cấp. Các thông tin chi tiết có thể được tư vấn tại khoa Thận bệnh viện Chợ rẫy, bệnh viện nhân dân 115, bệnh viện Thống nhất ở thành phố Hồ Chí Minh, khoa Thận & Lọc máu bệnh viện Việt Đức ở thành phố Hà Nội.
  • trthuong27 :
  • Thưa bác sỹ. Em là nữ, 36 tuổi, hiện ở Phan Thiết, Bình Thuận. Thưa bác sỹ, em thường bị cao huyết áp, đi khám ở bệnh viện Bình Dân biết mình bị Đa nang gan, thận (cả 2 thận). Hiện nang to nhất là 70mm, xét nghiệm thì chức năng gan, thận chưa bị ảnh hưởng. Được biết bệnh viện Nhân dân 115 áp dụng phương pháp mổ rất tối ưu. Mong bác sỹ tư vấn giúp, bệnh đa nang của em có nên mổ không? Và mổ có hết hoàn toàn được không? Và trình tự thủ tục mổ có BHYT ở bệnh viện Nhân dân 115? Xin chân thành cảm ơn bác sỹ!
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Gan thận đa nang (nếu chẩn đoán đúng) là một bệnh di truyền theo tính trạng trội trên nhiễm sắc thể thường. Bệnh nhân bị bệnh gan thận đa nang thường có tăng huyết áp (và một số tình trạng bệnh lý khác nữa). Hai thận có chứa rất nhiều nang và các nang này có xu hướng to dần theo thời gian, do đó có thể làm giảm nhu mô thận còn lại gây giảm chức năng thận và dẫn đến suy thận. Việc can thiệp (hút dịch trong nang, cắt bỏ nang thận…) chỉ được thực hiện cho một số trường hợp rất đặc biệt liên quan đến một số tình trạng bệnh lý cụ thể (mà các bác sĩ sẽ phải cân nhắc rất kỹ càng để quyết định), đại đa số các trường hợp có gan thận đa nang đều không cần can thiệp và phải được điều trị bảo tồn nội khoa. Nếu vì một lý do nào đó phải can thiệp đối với nang thận, người bệnh luôn bị đặt vào nguy cơ bị cắt bỏ cả quả thận. Các thủ tục mổ cho bệnh nhân có BHYT tại bệnh viện nhân dân 115 có thể được giải đáp trực tiếp tại phòng Hành chính tổng hợp hoặc tại khoa khám bệnh của bệnh viện.
  • Hoàng Thị Ngọc :
  • @ PGS.TS. Hà Phan Hải An: Thưa bác sĩ, em là Hoàng Thị Ngọc. Hôm vừa rồi, em đi khám phát hiện ra một nang trong thận hiện đã to 46 x 37 mm, thành của nó đã có dấu hiệu xơ vữa. Vậy bây giờ em phải điều trị như thế nào và có nguy hiểm không ạ ! Em cảm ơn bác sĩ@ PGS.TS. Hà Phan Hải An:
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Nang thận là một tình trạng khá thường gặp. Nang thận được phân loại thành nhiều loại khác nhau và có các chỉ định theo dõi hay can thiệp phụ thuộc vào phân loại này. Các bác sỹ chuyên khoa Thận học và Chẩn đoán hình ảnh sẽ phối hợp để phân loại nang thận, đề nghị các thăm dò bổ sung khi cần thiết để xác định bản chất nang, lên kế hoạch theo dõi và đưa ra phương án giải quyết phù hợp tại thời điểm phù hợp.
  • Huỳnh Thị Lan :
  • Cho cháu hỏi, bà cháu vừa mổ thận xong thì nên ăn những loại hoa quả và thức ăn gì để phục hồi nhanh và tốt cho sức khỏe ạ?
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Dinh dưỡng là một phương pháp điều trị quan trọng cho bệnh thận. Để xác định chế độ dinh dưỡng cần biết rõ bệnh lý thận là gì, tình trạng chức năng ra sao, các bệnh đi kèm khác (nếu có), thuốc đang sử dụng…, đồng thời cần xác định tình trạng dinh dưỡng hiện tại và nhu cầu của người bệnh. Các chuyên gia dinh dưỡng có thể tư vấn chi tiết hơn về vấn đề này.
  • Hoàng Thị Thoa :
  • Cháu chào bác sĩ, cháu bị bàng quang trào ngược niệu quản 2 bên. Cháu đã được bác sĩ ở BV Bạch Mai mổ, đặt dẫn lưu 7 năm nay rồi do bàng quang của cháu là bàng quang thần kinh không đẩy được hết nước tiểu ra ngoài. Giờ cháu lúc nào cũng phải mang theo bịch nước tiểu nó rất bất tiện như bệnh của cháu có thể mổ tạo hình bàng quang nhân tạo được không ạ. Cháu cảm ơn. Mong hồi âm của bác sĩ.
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Bàng quang thần kinh do nhiều nguyên nhân gây ra và làm người bệnh mất khả năng kiểm soát bàng quang và tự chủ khi đi tiểu. Điều này có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, trong đó có trào ngược bàng quang-niệu quản. Có nhiều biện pháp để điều trị tình trạng bệnh lý này và giúp ngăn ngừa biến chứng, và thường phải điều trị phối hợp nhiều mô thức. Một số bệnh nhân phải học cách đi tiểu định kỳ để tránh trào ngược, tập các bài tập cơ sàn chậu, điện kích thích, hay tự đặt thông tiểu định kỳ… Một số thuốc có thể hỗ trợ điều chỉnh sự co bóp cơ bàng quang giúp đi tiểu dễ dàng hơn. Có một số phương pháp điều trị phẫu thuật để hỗ trợ tùy theo nguyên nhân gây bàng quang thần kinh. Ví dụ có thể mở cơ thắt bàng quang để dẫn lưu liên tục; cắt rễ dây thần kinh tủy sống; tạo ống hồi tràng ra thành bụng… Đối với bệnh nhân còn dung tích bàng quang đủ, còn khả năng tự đi tiểu, khả năng vận động tay tốt và đủ khả năng tuân thủ hướng dẫn sử dụng thiết bị, người ta có thể đặt cơ thắt nhân tạo để tránh rỉ nước tiểu không tự chủ và người bệnh có thể tự thả lỏng cơ thắt này định kỳ (bấm nút thủ công) để đi tiểu chủ động; tuy nhiên nếu không tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn, người bệnh có thể gặp những biến chứng trầm trọng đe dọa tính mạng.
  • Nguyễn Thị Bảo Thu :
  • Bác sĩ cho em hỏi về bệnh vôi thận. Em năm nay 38t, đi siêu âm bụng cách đây 02 tháng được chẩn đoán là vôi thận hơi nhiều. Bác sĩ cho em biết nguyên nhân và cách chữa trị hoặc dùng thuốc thế nào để hết vôi thận và tránh trở thành sỏi thận được không ạ?
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Các lắng đọng trong thận có thể là một tình trạng liên quan đến một số bệnh lý bẩm sinh/di truyền hay một số tuyến nội tiết điều hòa chuyển hóa Canxi trong cơ thể. Hình ảnh quan sát được trên siêu âm chỉ gợi ý về hiện tượng có lắng đọng tăng âm trong thận, không xác định được bản chất của các hình ảnh tăng âm này là gì. Cần xác định cụ thể vị trí, mức độ, nếu có thể phải xác định bản chất các lắng đọng trong thận và nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này thì mới xử lý được. Trước hết có thể uống tăng nước để tăng cường đào thải các chất cặn qua nước tiểu, tránh kết tinh để hình thành sỏi.
  • Toyusu Tota :
  • Tôi nghe nói canh cá diếc nấu với rau mã đề có tác dụng làm giảm chỉ số creatinine trong máu. Xin các chuyên gia Tây y và Đông y cho biết điều đó có đúng không. Nếu đúng thì cách chế biến và liều lượng như thế nào. Xin trân trọng cảm ơn.
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Các phương pháp dân gian có thể có tác dụng tích cực đối với một số tình trạng bệnh lý cụ thể. Ăn cũng là một phương pháp điều trị. Cách thức chế biến thức ăn và phối hợp thực phẩm là một ngành khoa học riêng biệt. Có thể tư vấn chuyên gia dinh dưỡng về các loại thực phẩm và cách chế biến phù hợp, cũng như chỉ định dùng cho một tình trạng sức khỏe cụ thể nào đó để đảm bảo không bị ngộ độc hay gây tác hại cho bản thân.
  • Nguyenmanhhung :
  • Thưa bác sĩ, vừa rồi tôi xét nghiệm chỉ số ceratinin 131 ml, sau đó bác sĩ nói 3 tháng sau xét nghiệm lại. Sau xét nghiệm lại, tôi có bệnh tiểu rất ít vì bệnh phì đại tuyến tiền liệt 30. Xin hỏi bệnh của tôi có sao không bác sĩ? Xin cảm ơn.
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Thể tích tuyến tiền liệt ở nam giới có xu hướng tăng dần theo tuổi. Đa số đây là tình trạng tăng sản lành tính, nhưng có một số trường hợp là bệnh lý ác tính. Khi tuyến tiền liệt chèn ép vào đường đi tiểu gây tắc nghẽn dòng nước tiểu, nếu không giải phóng đường tiểu bệnh nhân có thể bị suy thận. Để giải phóng đường tiểu, trước tiên phải xác định rõ tình trạng của tuyến tiền liệt là lành tính hay ác tính, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Ngoài nguyên nhân do tuyến tiền liệt, chức năng thận có thể chịu ảnh hưởng của nhiều bệnh lý khác. Cần phát hiện các tình trạng bệnh lý kèm theo và điều trị phù hợp kịp thời để bảo tồn chức năng thận. Chức năng thận có thể được ước tính dựa vào chỉ số Creatinin trong máu, đơn vị đo là micromol/L (µmol/L) hoặc mg/dL  tùy theo phòng xét nghiệm.
  • Toyusu Tota :
  • Toyusu Tota / 27 Feb 2018 Tôi nghe nói canh cá diếc nấu với rau mã đề có tác dụng làm giảm chỉ số creatinine trong máu. Xin các chuyên gia Tây y và Đông y cho biết điều đó có đúng không? Nếu đúng thì cách chế biến và liều lượng như thế nào? Xin trân trọng cảm ơn.
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Các phương pháp dân gian có thể có tác dụng tích cực đối với một số tình trạng bệnh lý cụ thể. Ăn cũng là một phương pháp điều trị. Cách thức chế biến thức ăn và phối hợp thực phẩm là một ngành khoa học riêng biệt. Có thể tư vấn chuyên gia dinh dưỡng về các loại thực phẩm và cách chế biến phù hợp, cũng như chỉ định dùng cho một tình trạng sức khỏe cụ thể nào đó để đảm bảo không bị ngộ độc hay gây tác hại cho bản thân.
  • Trịnh Quang Cường :
  • Tôi bị bướu thận (1 bên) và đã phẫu thuật cắt bỏ bướu . Tất cả các chỉ số xét nghiệm máu và nước tiểu liên quan chức năng thận trước và sau phẫu thuật đều trong giới hạn bình thường. Bác sỹ cho hỏi là: 1.Vậy bệnh được xếp vào loại nào ? Ung thư, suy thận …? 2. Từ giờ trở đi nên ăn những loại trái cây nào cho phù hợp và bổ thận? Xin cám ơn bác sỹ.
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Bướu (u) thận có thể là lành tính hay ác tính. U ác tính là ung thư, cần cắt bỏ càng sớm càng tốt; U lành tính thường không phải can thiệp, trừ khi gây cản trở đường tiết niệu. Nếu không suy thận có thể ăn uống như người khỏe mạnh bình thường. Điều quan trọng là phải theo dõi định kỳ để phát hiện sớm những thay đổi chức năng thận hay u tái phát.
  • Sau phẫu thuật, nếu các chỉ số đánh giá chức năng thận đều trong giới hạn bình thường có nghĩa là không bị suy thận.
  • Nguyễn Thanh Tâm :
  • Thưa bác sĩ! Tôi đi siêu âm có sỏi thận 12 ml nhưng không có đau. Nhưng nay được thầy xem mạch bảo thận suy, gan nóng. Vậy xin bác sĩ tôi có thể đến nơi nào để khám và chữa trị. Năm nay tôi 48 tuổi. Xin cảm ơn bác sĩ.
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Để đánh giá chức năng thận có thể đến các phòng khám bệnh đa khoa để khám và làm xét nghiệm nước tiểu và máu. Kích thước thận được đo bằng mm hay cm, không phải ml.
  • Tình :
  • @ PGS.TS. Hà Phan Hải An: cô ơi, cháu năm nay 22t ạ. Gần đây cháu bị ho nên phải uống thuốc mà cháu thấy uống thuốc cứ bị đi tiểu nhiều lần ngày và đêm ạ. Mà cháu cảm thấy ham muốn tình dục của cháu giảm ạ. Không biết cháu có bị gì về thận không ạ? Xin chân thành cảm ơn bác sĩ.
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Khi sử dụng thuốc cần tìm hiểu rõ thành phần của thuốc và theo dõi các tác dụng không mong muốn. Ngoài ra các thuốc có thể có chứa các hoạt chất gây ảnh hưởng hoặc làm bộc lộ một số bệnh lý tiềm ẩn. Vì vậy cần có tư vấn của bác sĩ khi sử dụng thuốc. Khả năng hoạt động hay ham muốn tình dục có thể bị thuốc làm ảnh hưởng, nhưng cũng có thể là một tình trạng độc lập không liên quan cần tìm lý do để giải quyết. Giảm chức năng thận có thể là một trong số các lý do đó, nhưng không phải là lý do duy nhất.
  • Quảng :
  • @ PGS.TS. Hà Phan Hải An: Cháu chào cô. Cháu năm nay 26 tuổi, giới tính nam. Cháu bị sỏi thận lâu rồi, khoảng 7-8 năm rồi. Kích thước sỏi hiện giờ của cháu là 6mm đến 7mm, không thay đổi là bao so với lúc mới bị. Thế nhưng cháu chủ quan không chữa trị dứt điểm để bây giờ tình trạng xấu hơn là cháu hay đi tiểu nhiều lần và lượng nước tiểu ít hơn bình thường hay đau mỏi lưng và nước tiểu có cặn màu trắng đục như vôi sau mỗi lần đi tiểu. Bây giờ đây tình hình ngày càng nghiêm trọng, thận càng ngày càng yếu, cháu hay đi tiểu với tần suất nhiều hơn và lượng nước tiểu thấy ít hơn so với trước đây,… Cháu hay cảm thấy nóng trong người và hay đỏ mặt. Có phải vì trước đây cháu có lối sống không lành mạnh nên bây giờ hậu quả như thế không? Cháu mong muốn được khỏe mạnh để theo đuổi đam mê và lo cho gia đình. Mong cô chỉ giúp cháu tìm đúng con đường điều trị với. Cháu xin cảm ơn nhiều.
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Sỏi thận-tiết niệu là một tình trạng bệnh lý có thể kiểm soát được nếu được xử lý đúng cách. Việc xử lý phụ thuộc vào vị trí, kích thước, thành phần cấu tạo sỏi, nguyên nhân tạo sỏi và đặc biệt là một số thói quen sinh hoạt. Một số trường hợp nguyên nhân gây ra sỏi thận-tiết niệu là các bệnh lý cụ thể, còn lại hầu hết các trường hợp là liên quan đến yếu tố cơ địa. Để có cách giải quyết dứt điểm hoặc phòng ngừa bệnh tiến triển đến suy thận, cần đến khám bác sỹ chuyên khoa Thận để đánh giá và tìm các nguyên nhân có thể sửa chữa, sau đó khám bác sỹ chuyên khoa tiết niệu để lấy bỏ sỏi nếu cần thiết. Sau khi đã lấy sỏi cần tiếp tục khám và theo dõi với bác sỹ chuyên khoa Thận để phòng ngừa tái phát… Điều cơ bản là phải có hệ thống theo dõi dài hạn và xử lý kịp thời để tránh gây ảnh hưởng đến chức năng thận.
  • Phạm Tấn Sơn :
  • Chào bác sĩ, em là nam, 25 tuổi. Vừa qua em xuất hiện triệu chứng thường hay đau vùng thắt lưng, mỏi gối, tê chân và đi tiểu hơi nhiều nhưng không có tiểu đêm. Khi đến bệnh viện khám thì được bác sĩ chẩn đoán bị gai đôi S1 còn thận thì bình thường. Nhưng em cảm thấy sinh lý nam giới của em dạo gần dây cũng không được tốt lắm nên mong bác sĩ tư vấn giúp liệu rằng thận của em có vấn đề gì không ạ, em có cần phải đi khám lại kỹ hơn không ạ?
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Chức năng thận giảm có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động tình dục ở cả nam và nữ. Để đánh giá chức năng thận cần làm các xét nghiệm nước tiểu và máu. Tuy nhiên giảm chức năng thận không phải là lý do duy nhất gây ảnh hưởng đến khả năng hoạt động tình dục, còn có rất nhiều nguyên nhân khác ảnh hưởng đến khả năng này. Nam giới có rối loạn khả năng hoạt động tình dục có thể khám và tư vấn bác sỹ chuyên khoa Nam học để tìm thêm nguyên nhân gây bệnh. Một số trường hợp có nguyên nhân phức tạp, phối hợp tổn thương nhiều hệ thống cơ quan, cần được khám và rà soát kỹ để có phương pháp giải quyết đúng. Nếu điều trị không đúng cách có thể làm mất khả năng hoạt động tình dục vĩnh viễn.
  • Nguyen chi Tinh 37t :
  • @ PGS.TS. Hà Phan Hải An: Em thường uống bia chung với nước suối, như vậy có ảnh hưởng đến thận không bác sĩ? Hàng ngày em cũng uống nhiều nước, khoảng 2-3 lít có ảnh hưởng gì đến thận không ạ? (Em 78kg). Nếu uống ít nước, cơ thể em mệt và tiểu nước màu vàng. Tóm lại việc em uống nước nhiều và uống nước nhiều khi uống bia lâu dài có ảnh hưởng đến thận không ạ? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp em. Em cảm ơn nhiều.
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Uống quá nhiều nước hay uống quá nhiều bia đều không mang lại thêm lợi ích cho sức khỏe. Bia thường là nước nhạt, nếu uống vào với số lượng lớn, ngoài hàm lượng cồn còn có rất nhiều nước không có muối khoáng được đưa vào cơ thể và có thể gây ra nhiều rối loạn, đôi khi có thể gây nguy hiểm đến tính mạng trong một số trường hợp cụ thể. Số lượng nước (dịch) đưa vào cơ thể tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi người trong các hoàn cảnh khác nhau, và cần được cân đối theo lượng nước tiểu vừa đủ để duy trì ổn định và cân bằng các chất trong cơ thể.
  • Hoàng Ân :
  • Tôi 17 tuổi. Thận trái to hơn bình thường. Quả thận vẫn bình thường. Nhưng trong thận rất to. Cho tôi hỏi. Tôi bị gì ạ.
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Thông thường một người có hai thận và kích thước hai thận tương đương, nhưng không bao giờ bằng nhau tuyệt đối. Có thể có những trường hợp hai thận không bằng nhau về kích thước và không có chức năng bằng nhau, nhưng luôn hoạt động đủ để phục vụ nhu cầu cơ thể.
  • Tuy nhiên, một số trường hợp có thận to bệnh lý, cần thăm khám kỹ để loại trừ nguyên nhân bệnh lý. Nếu là thận to bệnh lý cần được điều trị kịp thời để tránh các hậu quả xấu về sau.
  • Thái văn Tư :
  • Tôi 73 tuổi, có nhiều bệnh. Hàng ngày uống nhiều thuốc lo ngại bị suy thận, nay Creatinine 64. Tôi nên uống bổ thận bằng thuốc hoặc thực phẩm chức năng nào?
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Những người cao tuổi thường có nhiều bệnh lý phối hợp và phải sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau. Nguy cơ của việc dùng nhiều thuốc là có thể ảnh hưởng đến gan và thận, và các thuốc có thể tương tác nhau gây biến chứng nặng hơn dùng riêng rẽ. Để bảo vệ gan và thận, tức là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ phải lựa chọn những loại thuốc ít có tác dụng độc cho gan và/hoặc thận đối với những người có bệnh lý gan và/hoặc thận, điều chỉnh liều phù hợp và theo dõi định kỳ để phát hiện sớm biến chứng. Càng dùng thêm thuốc, dù là thuốc bệnh hay thuốc bổ, càng gây thêm tổn thương cho gan và/hoặc thận, và không được khuyến cáo. Các thuốc bảo vệ gan và/hoặc thận cần được lựa chọn tùy thuộc vào từng loại bệnh lý và từng loại thuốc điều trị bệnh cụ thể.
  • Nguyễn huynh :
  • Xin chào bác sĩ, em năm nay 29 tuổi. Vừa rồi em có đi khám sức khỏe tổng quát và có yêu cầu khám thận nhưng không bị gì. Nhưng em hay có tình trạng uống nước nhiều là khoảng 20 phút là em phải đi tiểu. Càng uống nhiều nước thì cứ đi tiểu liên tục( ban đêm em không có đi tiểu). Em bị tình trạng như vậy có bị gì không bác sĩ và nếu em muốn khám thận thì nên làm các xét nghiệm nào? Mong bác sĩ giúp dùm em. Em xin cám ơn!
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Khi uống nước nhiều và nước được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, cơ thể sẽ có nhu cầu đào thải lượng nước thừa ra ngoài để giữ cân bằng các chất trong cơ thể. Khi đó thận sẽ phải hoạt động để thực hiện nhiệm vụ này. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác gây tình trạng đi tiểu nhiều cần được rà soát. Các bác sĩ Thận học sẽ hướng dẫn làm các xét nghiệm cơ bản để tìm những nguyên nhân gây đi tiểu nhiều, đồng thời tư vấn khám thêm bác sĩ chuyên khoa để điều trị trong trường hợp cần thiết.
  • Vinh :
  • Em 1 đêm đi tiểu 2-3 lần, lúc tiểu, nước tiểu có nhiều bong bóng, cảm giác đau lưng chỗ thận bên trái. Em có bị suy thận không ạ! Cần xét nghiệm gì để biết suy thận ạ? Xin cảm ơn bác sĩ!
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Để đánh giá chức năng thận cần làm xét nghiệm nước tiểu và máu. Tuy nhiên để tìm nguyên nhân gây giảm chức năng thận thì còn phải làm thêm nhiều xét nghiệm và thăm dò khác nữa. Đi tiểu đêm, đau lưng… có thể có nguyên nhân tại thận, nhưng cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác gây ra, vì vậy cần được các bác sĩ khám và cho hướng dẫn cụ thể.
  • phạm văn Điện :
  • Bác sĩ cho em hỏi, em hãy đi tiểu nhiều lần,và tiểu xong nó buốt, cứ nóng ở phần dương vật em, như vậy em có phải thận yếu không ạ. Em năm nay 42 tuổi. Nếu đi khám thì khám ở đâu ạ? Em xin cảm ơn.
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Tiểu nhiều lần kèm cảm giác buốt, nóng thường là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu. Nam giới có những dấu hiệu này cần được khám và rà soát kỹ để tìm nguyên nhân, khi đó mới điều trị được triệt để. Nếu bỏ sót nguyên nhân có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
  • Trần Đức :
  • Chào bác sỹ, em năm nay 29 tuổi. Em bị viêm thận mãn từ 10 năm nay và đã bị suy thận độ 1, chỉ số creatinin hiện tại ổn định trong mức 111,8. Tuy nhiên thời gian gần đây lượng axit uric đều tăng cao (>500), bác sỹ chỉ định uống thuốc Forgout để điều trị. Bác sỹ cho em hỏi là bệnh của em nên duy trì chế độ dinh dưỡng như thế nào ạ, nên ăn uống thế nào để bệnh không tiến triển theo chiều hướng xấu. Em xin cám ơn!
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Dinh dưỡng trong bệnh thận mạn là một trong những phương pháp điều trị quan trọng để ngăn ngừa bệnh tiến triển. Để có chế độ dinh dưỡng phù hợp cần đánh giá tình trạng dinh dưỡng, xác định mức độ bệnh lý, công việc và nhu cầu dinh dưỡng của một cá thể, thói quen ăn uống sinh hoạt, thói quen chế biến thực phẩm, điều kiện kinh tế, nguồn thực phẩm… vì nếu dinh dưỡng quá dư thừa thì bệnh tiến triển nhanh hơn, dinh dưỡng quá thiếu sẽ bị suy dinh dưỡng gây tăng nguy cơ tử vong. Một số nguyên tắc cơ bản về ăn uống đối với bệnh nhân bị bệnh thận mạn và có tăng acid uric máu là cần giảm thịt động vật, không dùng đồ uống có cồn, uống đủ nước để tăng thải acid uric… và phối hợp với các thuốc hạ acid uric nếu chế độ ăn không đủ để kiểm soát acid uric trong giới hạn mục tiêu. Chuyên gia dinh dưỡng có thể tư vấn thêm về các loại thực phẩm nên hạn chế cũng như cách chế biến thực phẩm phù hợp cho từng cá thể. Bác sĩ chuyên khoa Thận sẽ giúp đánh giá chuẩn xác tình trạng và mức độ bệnh tật để định hướng cho chuyên gia dinh dưỡng.
  • NGUYỄN THỊ BÍCH TRÂM :
  • Thưa BS, mẹ em 65t qua xét nghiệm máu thì độ lọc cầu thận giảm chỉ còn 64/ml/phút/1.73m. ure 4.0, creatinine 83. Xét nghiệm nước tiểu thì hồng cầu 50 (cao gấp 5 lần bình thường). Như vậy mẹ em có biểu hiện của suy thận chưa, xin BS trả lời giúp em. Trân trong cám ơn BS.
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Tình trạng chức năng thận có thể được đánh giá thông qua chỉ số mức lọc cầu thận. Chỉ số này có thể là ước tính (dựa vào chỉ số creatinine trong máu) hoặc qua đo đạc. Mức lọc cầu thận 64ml/phút/a,73m2 được coi là có giảm chức năng thận mức độ nhẹ đến vừa, không phải suy thận. Cần tìm thêm các yếu tố nguy cơ và phải kiểm soát tốt các yếu tố đó để bảo tồn chức năng thận. Nếu được bảo tồn tốt, chức năng thận thường giữ được ổn định lâu dài.
  • Nguyễn thi hòa :
  • Con tôi năm nay 19 tuổi ban ngày và ban đêm đi tiểu nhiều lần, khám nhiều nơi nhưng không ra bệnh. Tôi xin hỏi bác sỹ khám ở bệnh viện nào thì được ạ?
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Đi tiểu nhiều lần có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Các bác sĩ Thận học sẽ hướng dẫn làm các xét nghiệm cơ bản để tìm những nguyên nhân gây đi tiểu nhiều, đồng thời tư vấn khám thêm bác sĩ chuyên khoa để điều trị trong trường hợp cần thiết. Có thể đến khám tại các bệnh viện có khoa Thận để được tư vấn kỹ hơn.
  • Nguyễn nhật trường :
  • Em tên Trường. Em đã xạ hình thận, bác sĩ cho em hỏi thận trái 48.8 và thận phải 51.2 vậy thận tốt không? Lọc cầu thận tốt không?
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Xạ hình thận giúp đánh giá chức năng từng bên thận (tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổng 100%), tức là để xác định sự phân chia nhiệm vụ của từng bên thận. Ví dụ các chỉ số được nêu cho biết thận trái đảm đương 48,8% và thận phải đảm đương 51,2% nhiệm vụ. Còn khả năng thực hiện nhiệm vụ có tốt hay không, có nghĩa là chức năng thận có đầy đủ không thì phải dựa vào các chỉ số khác.
  • Nguyen thi trung thanh :
  • Em bị bệnh thận ứ nước độ 3 do bị hẹp đường tiết niệu. Em đã phẫu thuật năm 2011, nay em bị lại và đã làm phương pháp phẫu thuật dẫn lưu quá đà và mổ laser, mổ niệu quản đặt ông stern nhưng giờ lại bị, mong bác sĩ tư vấn cho em, bệnh của em có thuốc nào uống hết không?
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Hẹp đường tiết niệu là một khiếm khuyết về giải phẫu và cần được sửa chữa bằng phẫu thuật mà không có thuốc uống để chữa khỏi. Chiến lược sửa chữa phụ thuộc vào vị trí hẹp, mức độ hẹp, nguyên nhân gây hẹp, tình trạng chức năng thận, các bệnh lý đi kèm v.v… Các bác sỹ Tiết niệu sẽ phải đánh giá cẩn thận để đưa ra chiến lược xử lý phù hợp và tránh di chứng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp do tình trạng khiếm khuyết quá phức tạp có thể không sửa chữa triệt để được.
  • PHẠM THỊ KIM YẾN :
  • Thưa B Sĩ em siêu âm được biết có sỏi thận ở cả 2 bên khoảng 3mm và vô số sỏi nhỏ. B S khuyên em không nên bổ sung thuốc và những thực phẩm có nhiều canxi. Nhưng em bị thoái hoá 2 khớp gối và cổ nên B S xương khớp lại cho toa thuốc bổ sung canxi và nói em phải bổ sung canxi suốt đời. Em xin hỏi có cách nào bổ sung canxi mà không hại thận không? Hay chữa được cả hai bệnh cho em cùng 1 lúc. Em xin cám ơn
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Sỏi thận-tiết niệu là bệnh có yếu tố cơ địa và có thể phối hợp với một số yếu tố nguy cơ từ môi trường và thói quen sinh hoạt. Đối với một số loại sỏi canxi, một trong những yếu tố có thể làm sỏi to lên là chế độ ăn thiếu canxi. Muốn biết cần có chế độ ăn như thế nào là phù hợp, lý tưởng là phải biết thành phần của sỏi. Tuy nhiên trên thực tế, điều này có thể không thực hiện được một các dễ dàng. Các bác sỹ có thể căn cứ vào kết quả thăm dò để dự đoán thành phần sỏi và hướng dẫn chế độ ăn phù hợp.
  • Để có thể điều trị được sỏi thận-tiết niệu một cách triệt để, còn cần thăm dò để tìm các bệnh lý khác là nguyên nhân tạo sỏi. Do vậy, cần đánh giá tổng thể để tìm nguyên nhân. Khi không tìm thấy nguyên nhân, cần áp dụng các biện pháp hỗ trợ như chế độ ăn uống, sinh hoạt, dự phòng v.v…
  • Phạm minh thuỷ :
  • Con tôi năm nay lên 6 tuổi, hay đái dầm khi ngủ trưa và tối. Lúc thức thì hay són tiểu ra quần. Tôi đã cho cháu uống rất nhiều thuốc tri Đái dầm của dược phẩm Đức Thịnh nhưng không đỡ. Nhờ bác sĩ tư vấn làm thế nào để cải thiện tình trạng của con.
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Đái dầm là một hiện tượng khá phổ biến ở trẻ em và thông thường sẽ hết khi trẻ lớn, tuy nhiên vẫn có thể gặp khá thường xuyên ở trẻ lên 10 tuổi. Nhiều trường hợp chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống, thay đổi thói quen sinh hoạt…là có thể cải thiện được tình trạng này. Tuy nhiên, có một số nguyên nhân gây đái dầm cần được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, cần được bác sỹ khám và tìm hiểu kỹ càng các yếu tố nguy cơ, cũng như phát hiện các tình trạng bệnh lý để có phương án giải quyết an toàn và hiệu quả; nên tránh việc tự uống các loại thuốc theo kinh nghiệm hay theo sự hướng dẫn của người không chuyên môn, đôi khi điều này có thể gây ra những hậu quả không thể sửa chữa được.
  • ly van phuc :
  • Thưa bác sĩ, con em được 4 tuổi, bị thận ứ nước độ hai, vậy có nguy hiểm không, có nên mổ không, và khi nào thì mổ được ạ?
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Trẻ em có thể có các bệnh lý bẩm sinh gây ứ nước thận, và có thể phải xét chỉ định phẫu thuật để chỉnh sửa. Cần đưa cháu đến khám bác sỹ Tiết niệu Nhi khoa để có kế hoạch thăm dò và xử lý phù hợp.
  • Nguyễn Văn Chương :
  • Chào Phó giáo sư, tháng 12/2015 tôi đi khám và xét nghiệm bị mỡ máu 3,4 và men gan tăng GOT 50,có chỉ số ure 6,8, creatinin 116 được uống thuốc hạ mỡ máu và boganic. Tháng 01/2016 đi khám lại mỡ máu về 1,8 nhưng chỉ số ure tăng 9,3, creatinin 145. vậy tôi đã bị suy thận chưa và nên dùng thuốc như thế nào. Xin ý kiến Phó giáo sư- Cảm ơn Phó giáo sư
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Khi có tăng creatinine máu sau uống bất cứ một sản phẩm hay hoạt chất nào thì có thể là tình trạng tổn thương thận cấp liên quan đến sản phẩm hay thuốc đó. Việc quyết định chắc chắn tổn thương thận là do một sản phẩm hay thuốc cụ thể nào đó cần được các bác sỹ đánh giá và nhận định khách quan. Hành động đầu tiên là dừng dùng sản phẩm hay thuốc đó và đến khám bác sỹ ngay để mọi việc không trở thành quá muộn.
  • mai duc chung :
  • Xin chào bác sĩ,tôi có ba hơn 60 tuổi mấy ngày nay ba tôi bị thận ứ nước có đi khám ở bệnh viện và đang uống thuốc có kết quả tích cực, xin bác sĩ cho tôi biết cần chăm sóc chế độ ăn uống như thế nào sẽ tốt hơn? Xin cảm ơn bác sĩ nhiều!
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Có ứ nước ở thận tức là có tắc nghẽn ở đường tiết niệu tương ứng. Tình trạng tắc nghẽn kéo dài sẽ gây giảm chức năng thận và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Cần tìm nguyên nhân gây tắc và có phương án giải quyết phù hợp. Khi đã hết tắc nghẽn, chế độ ăn uống sinh hoạt có thể quay lại như thông thường nếu chức năng thận còn bảo tồn. Cần có chương trình khám bệnh định kỳ để phát hiện tái phát và xử lý kịp thời.
  • Đặng Văn Phú :
  • Tôi năm nay vào tuổi 64. Năm 2010, tôi đi khám bệnh phát hiện sỏi thận 5ly, bác sỹ nói rằng “bao giờ đau thì tính”. Liên tiếp các năm 2012 đến 2014 viên sỏi tăng lên tới 18ly và thường đi tiểu đêm trung bình 3lần/đêm. Giữa năm 2015, các bác sỹ tán sỏi bằng phương pháp siêu âm, nhưng còn lại 1 viên bằng 5ly. Đầu 2016, qua thăm khám viên sỏi lại lớn lên thành 9ly và cuối 2016 kích thước là 14 ly. Các lần điều trị, các bác sỹ cũng chỉ cho uống Kim Tiền Thảo. Vậy hướng điều trị tiếp cho tôi là như thế nào? hay “khi nào đau thì tính”? Sức khỏe hiện tại của tôi thì: khi làm việc gắng sức hoặc mệt mỏi thường đau ngang lưng hoặc tưng tức ở hông, vẫn đi tiểu đêm thường 3 lần/đêm (kết quả siêu âm tuyến tiền liệt thì bình thường, nhưng bác sỹ khám tay thì kết luân phì đại lành tính). Kính mong nhận được lới tư vấn sớm.
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Sỏi thận-tiết niệu trong nhiều trường hợp mang tính cơ địa, vì vậy thường tái phát sau can thiệp. Muốn sỏi không tái phát cần được thăm khám đầy đủ để tìm các nguy cơ tạo sỏi và giải quyết tốt các nguy cơ này. Nếu không tìm được nguy cơ, cần được tư vấn về chế độ ăn uống, sinh hoạt và theo dõi định kỳ để nếu sỏi tái phát thì có phương án giải quyết phù hợp và kịp thời. Ở các cơ sở y tế chuẩn mực, việc can thiệp sỏi sẽ do bác sỹ chuyên ngành tiết niệu (ngoại khoa) đảm nhiệm, việc điều trị và theo dõi sau can thiệp sẽ do bác sỹ Thận học (Nội khoa) đảm nhiệm. Các bệnh nhân nên biết điều này và tìm đến đúng người, đúng chỗ để được quản lý sức khỏe chung và có can thiệp điều trị hiệu quả.
  • Nguyễn Thị Nga :
  • Thưa bác sĩ cháu ghép thận được 8 tháng rồi ạ. Nhưng cháu bị rong kinh bắt đầu từ khi phẫu thuật đến nay là 8 tháng mà k đỡ ạ. Cháu cũng đã đi khám bên phụ khoa nhưng bsi kiểm tra k có vấn đề gì ạ. Chỉ cho uống thuốc tránh thai để điều hoà kinh nguyệt nhưng chỉ được một hai tháng. Giờ cháu muốn sử dụng thuốc bắc bên đông y để điều trị cho khỏi. Thì cháu có uống đc các vị thuốc bắc k ạ. Có bị ảnh ưởng gì đến thận ghép không ạ. Mong bác sĩ trả lời giúp cháu. Cháu xin trân thành cám ơn bsi ạ
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Việc sử dụng thuốc sau ghép thận khá phức tạp, do nguy cơ tương tác thuốc và có thể ảnh hưởng đến thận ghép. Cần có bác sỹ chuyên khoa xem xét kỹ chỉ định, cách dùng và cách theo dõi để tránh các biến cố không mong muốn nếu cần bổ sung thêm bất cứ thuốc gì vào danh mục thuốc điều trị.
  • nguyen ba thao :
  • me toi bi benh suy than man.gan day di tieu ra phan den.xin hoi bac si co phai do dung thuoc tang sat hay khong vay.
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Dùng sắt qua đường uống có thể gây đi ngoài phân đen (chứ không phải đi tiểu ra phân đen), nhưng đấy chỉ là một trong số nhiều lý do gây đi ngoài ra phân đen. Cần khám bác sỹ để loại trừ các nguyên nhân khác.
  • Hoàng thị Thắm :
  • Chào Bác sỹ: em năm nay 36 tuồi, hàng ngày dù em hạn chế uống nước nhưng cứ sau 1-2 tiếng là em phải đi tiểu, đêm ngủ cũng phải thức đến 5-6 lần, em cũng đã ra đi khám và mua thuốc về uống mà vẫn không đỡ, em bị vậy đã 5 năm rồi nên em cảm thấy người lúc nào cũng mẹt mỏi, ỏe oải.mất ngủ…em phải chữa như thế nào, uống thuốc gì, em cám ơn bác Sỹ
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Có nhiều lý do gây đi tiểu nhiều lần, và việc đi tiểu nhiều cũng có thể gây ra một số hậu quả không tốt cho sức khỏe. Cần đến khám bác sỹ để tìm lý do, trước hết có thể khám bác sỹ Nội khoa tổng quát, bác sỹ này có thể tư vấn cần đi khám tiếp những bác sỹ chuyên khoa nào sau đó.
  • Trần Quốc Việt :
  • Chào Bác Sĩ, em bị viêm cầu thận mạn khoảng vài năm nay. Năm 2014 2015 xét nghiệm cặn addis lượng hồng cầu đã về 0 HC. Tuy nhiên năm nay xét nghiệm lại 2 lần thì 2400 – 1200 HC(lần 1 và lần 2). Lượng bạch cầu cũng khá cao 7000 – 3000 (không tiểu gắt buốt). Bác sĩ cho em hỏi là tại sao lượng bạch cầu lại cao như vậy, và nguyên nhân nào lượng HC lại tăng cao trở lại. Em đang uống thuốc duy trì Candelong(candesartan) mấy năm nay. Bên cạnh đó do em bị mụn nên mỗi ngày có sử dụng 1 viên betophyl (vitamin E và dầu gấc) và 1 viên kẽm gluconat , cho em hỏi em uống 2 loại này mỗi ngày có ảnh hưởng đến sự tăng HC và BC như trên không. Em Cảm Ơn!
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, có thể có những tình huống có hồng cầu, bạch cầu xuất hiện trong nước tiểu, cần chẩn đoán phân biệt với tình trạng bệnh lý. Có nhiều nguyên nhân bệnh lý gây xuất hiện hồng cầu và/hoặc bạch cầu niệu và cần có bác sỹ thăm khám đầy đủ, tổng quát mới biết lý do. Việc sử dụng candesartan có thể là cần thiết nếu người bệnh có tăng huyết áp và thuốc có hiệu quả. Đây cũng là nhóm thuốc được ưu tiên sử dụng khi người bệnh có thêm đái tháo đường hay có protein niệu. Việc sử dụng thêm vitamin E, A, kẽm… bổ sung cũng không phải vô hại nếu cơ thể không thiếu các loại chất này. Vì vậy, cần tham khảo ý kiến bác sỹ và kiểm tra nhu cầu của cơ thể để quyết định có nên sử dụng hay không, và nếu phải sử dụng thì như thế nào cho vừa đủ.
  • Phòng Hành Chánh Cty SC :
  • Xin chào Bác sĩ, Công ty chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, hầu hết nhân viên làm việc phần lớn thời gian trong văn phòng. 1. Chúng tôi đang sử dụng 1 loại nước khoáng để phục vụ nhu cầu nước uống hàng ngày cho nhân viên trong công ty từ năm 2009 đến nay. Xin đính kèm thành phần của loại nước khoáng này như sau: ///// Natural Mineral Water Hàm lượng khoáng thấp (mg/l) Tổng chất rắn hòa tan (TDS) 310 – 360 HCO3: 280-330 Natri: 95-130 Canxi: 11-17 Magie: 3-6 Kali: 2-3 Flo: <0.5 IOT: >0.01 Đóng chai tại nguồn Khánh Hậu, Tân An, Long An ///// Vui lòng cho biết với thành phần nước uống như trên, nếu nhân viên chúng tôi chỉ uống nước này trong thời gian làm việc tại công ty (8-10 giờ mỗi ngày, 5 ngày/ tuần) thì có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không? Ví dụ liệu có khả năng hình thành sỏi thận, hoặc gây rối loạn tiêu hóa, rối loạn nhịp tim, cao huyết áp, phù…hay không? Có 2 nữ nhân viên của chúng tôi hiện đang dùng loại nước nói trên tại công ty. Gần đây khi đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm thì có phát hiện sau (kết quả các năm trước đây không có hiện tượng này): – 1 người dùng loại nước này được 2.5 năm (27 tuổi) – 1 người dùng loại nước này được 6.5 năm (37 tuổi): Cả hai đều bị phát hiện có cặn vôi trong thận qua siêu âm. Xin được hỏi, hai phát hiện nêu trên có liên quan gì đến việc sử dụng loại nước khoáng nói trên hay không? Nếu có thì công ty và/hoặc 2 nhân viên nói trên cần phải làm gì để khắc phục tình trạng này? (theo 2 nhân viên này thì chế độ ăn của họ không có gì thay đổi so với các năm trước đây) Rất mong nhận được phản hồi của Bác sĩ trong thời gian sớm nhất. Xin chân thành cảm ơn. Chi Nhánh Công ty TNHH Sumitomo Corporation Việt Nam tại Tp. HCM (Tên viết tắt: SC) Phòng Hành Chánh E-mail: hmczz-org@sumitomocorp.com
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Nước có hàm lượng khoáng thấp về cơ bản không làm tăng nguy cơ tạo sỏi thận-tiết niệu. Hầu hết các trường hợp sỏi thận-tiết niệu có yếu tố cơ địa và có thể phối hợp với một số yếu tố nguy cơ từ môi trường và thói quen sinh hoạt.Cách phòng ngừa sỏi thận-tiết niệu tốt nhất là tìm các bệnh lý đi kèm có thể là nguyên nhân hình thành sỏi để giải quyết triệt để. Nếu không thể giải quyết triệt để nguyên nhân, cần uống đủ nước và tăng cường vận động để tránh tạo lắng cặn ở đường tiết niệu. Một số khuyến cáo cụ thể cho từng trường hợp sẽ được các bác sỹ chuyên khoa hướng dẫn sau khi đã khám kỹ và làm các thăm dò phù hợp.
  • Siêu âm có thể là biện pháp chẩn đoán giúp sàng lọc ban đầu nhưng có yếu tố chủ quan làm ảnh hưởng đến việc nhận định kết quả, cần có các biện pháp khách quan hơn để xác định có sỏi thận-tiết niệu.
  • Vương Thị Thanh Hà :
  • Cháu bị viêm bàng quang mạn, tiểu liên tục 6 năm rồi. Cháu đã điều trị nhiều lần ở Bạch Mai, bây giờ không bị tiểu gắt, nhưng vẫn hay tái phát đái buốt, đái rắt vậy cháu cần chữa như thế nào để có tgeer khỏi hẳn a? Cháu hay mỏi mệt và hay quên cô ạ.
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Viêm bàng quang mạn tính là một bệnh mạn tính và khó điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, có một số yếu tố tác động làm xuất hiện các đợt cấp có thể kiểm soát được, giúp cho khoảng thời gian giữa các đợt cấp kéo dài ra đáng kể. Bên cạnh đó, cũng có một số giải pháp để làm giảm mức độ của các đợt cấp. Để có cách giải quyết tốt nhất cần được bác sỹ khám tổng quát và phát hiện các yếu tố thúc đẩy để từ đó tìm ra phương án điều trị tối ưu.
  • Trần đức hải :
  • Cháu chụp cắt lớp kết quả: hình ảnh tổn thương cũ thận phải có ổ giả phình mạch bên trong 7mm…và thoát thuốc thì muộn vào ổ tổn thương…bác sĩ xem phim chụp song cho cháu về,không có đơn thuôc,không hẹn khám lại…cháu lo quá…không biết ổ giả phình mạch này giờ và sau này có gây hại gì không,mong bác sĩ tư vấn…cảm ơn bác sĩ
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Hiện nay có nhiều cách để can thiệp ở mức xâm lấn tối thiểu, hiệu quả và an toàn trong những trường hợp có giả phình mạch. Tuy nhiên, một số dị dạng mạch máu, ví dụ giả phình mạch, thông động-tĩnh mạch… có thể phát hiện thấy ở nhiều cơ quan khác nhau, trong đó có cả thận. Tùy theo vị trí và kích thước, các tổn thương này có thể gây ảnh hưởng đến chức năng của cơ quan. Trong trường hợp không ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của các cơ quan, có thể không cần can thiệp mà chỉ cần theo dõi định kỳ. Vì vậy, nên đến cơ sở y tế để khám và có lịch trình theo dõi định kỳ để phát hiện sớm các biến đổi bất lợi và có giải pháp xử lý triệt để khi có bất thường xảy ra.
  • Anh :
  • Cháu chào bác! Bác ơi cho cháu hỏi cháu đang học lớp 12 nếu cháu muốn sau này ra làm bác sĩ về chuyên ngành ghép thận lọc máu thì bây giờ cháu cần phải nộp hồ sơ vào ngành nào của đại học Y ạ ?Cháu cảm ơn bác đã đọc và mong bác gửi cho cháu câu trả lời sớm nhất .
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Trước mắt cần phải thi vào trường Đại học Y, ngành Bác sỹ đa khoa. Sau khi tốt nghiệp đại học, cần phải được học tiếp chương trình đào tạo bác sỹ chuyên khoa. Hiện nay Thận học thuộc chuyên ngành Nội. Sau đó sẽ học tiếp để trở thành bác sỹ chuyên khoa hẹp, ví dụ chuyên về Lọc máu, hay Ghép, hay Thận học lâm sàng…
  • Kieu Trinh :
  • Chào Cô, Mẹ em nay nay 58 tuổi, phát hiện bị mắc chứng Cushing do dùng thuốc khoảng hơn 1 năm nay, hiện đang điều trị tại bệnh viện Y Dược TPHCM, nhưng tình hình hồi phục không khả quan lắm. Vì có tháng làm xét nghiệm thì chỉ số cần xem xét dao động từ 50-100, có tháng tăng lên, có tháng thì giảm xuống (em không nhớ tên gọi chỉ số xét nghiệm này là gì). Em cũng đọc sách báo thấy bệnh này có thể điều trị khỏi. Rất mong nhận được sự tư vấn của Cô. Em cảm ơn nhiều.
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Hội chứng Cushing có thể là một biểu hiện thứ phát do dùng thuốc (corticosteroid), nhưng cũng có thể là bệnh lý nguyên phát (như u thượng thận). Để có thể điều trị được hiệu quả cần biết rõ nguyên nhân chính xác.
  • Nguyễn Nam :
  • Kính gửi các bác sĩ! Cháu có một câu hỏi mong các bác sĩ tư vấn: Bạn gái của cháu bị thận lạc chỗ. Cụ thể: Thận phải nằm thấp ở trước cột sống thắt lưng L4/5 và ngang mức mào chậu, kèm theo bất thường xoay (thận nằm ngang). Thận trái đúng vị trí. Cả thận phải và trái hình thái và kích thước bình thường, đài bể thận không dãn, không có sỏi, nhu mô dày và ngấm thuốc bình thường, niều quản không dãn. Chúng cháu biết khi bạn cháu bị đau bụng và đi khám. Sau đó chúng cháu đi chụp thận thuốc ở viện Việt Đức để xem chức năng thận vẫn bình thường. Tất cả đều cùng một kết quả. Chúng cháu chuẩn bị kết hôn và sinh con. Cháu rất mong lời tư vấn của bác sĩ: đây có phải là bệnh di truyền không, và khi mang thai có nguy hiểm cho vợ cháu không, các tình huống có thể xảy ra và các phòng ngừa cũng như giải pháp tốt nhất. Cháu xin chân thành cảm ơn và mong nhận được lời tư vấn của bác sĩ.!
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Thận có thể nằm không đúng chỗ do có 1 số yếu tố cản trở thận di chuyển vào đúng chỗ của mình khi bạn còn trong bào thai. Đây không phải là bệnh di truyền nên không truyền cho con. Nhiều người có thận lạc chỗ nhưng không có triệu chứng và không ảnh hưởng gì đến cuộc sống hàng ngày. Tình trạng này chỉ được phát hiện ra một cách tình cờ.Khi không có triệu chứng, bệnh nhân không cần điều trị, nhưng điều quan trọng nhất là cần theo dõi định kỳ để phát hiện sớm các biến chứng.
  • Ngay cả khi có biến chứng, với các phương pháp chẩn đoán và điều trị phù hợp, thận lạc chỗ không gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng về lâu dài.
  • Tuy nhiên, trong một số trường hợp thận lạc chỗ có thể gây tăng nguy cơ tạo sỏi, tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, gây cơn đau, hay có thể gây đi tiểu ra máu v.v… Khi đó bệnh nhân cần được điều trị phù hợp.
  • Trần thiên hương :
  • Dạ chào bác sy,tôi bị huyết ám tụt và thường xuyên bị ngất vậy tôi muốn hỏi bác sy làm cách nào hay uống thuốc gi để phóng chánh ạ xin cảm ơn bác sy ạ
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Trước hết cần tìm các nguyên nhân có thể gây tụt huyết áp và xử lý phù hợp. Nếu không có nguyên nhân cụ thể, có thể dùng một số biện pháp đơn giản như uống sữa ấm, hay cà phê sữa ấm, hay nước trà ấm có đường v.v…
  • kimlong :
  • Khoảng 3 tháng nay em có hiện tượng nước tiểu có bọt trắng nổi lên, khi dội nước sủi bọt khí như xà phòng có thể thấy và nghe tiếng sủi. Em đã đi xét nghiệm nước tiểu nhiều lần nhưng không phát hiện gì bất thường. MDRD-4 =90ml/min. Ngoài những chất trong xét nghiệm nước tiểu thì còn những chất gì có thể gây hiện tượng như vậy không ạ? Em cảm ơn.
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Nước tiểu có bọt có thể gặp ở người bình thường, khi dòng nước tiểu quá mạnh xối vào bồn vệ sinh, hoặc do các chất tẩy rửa nhà vệ sinh, hoặc nước tiểu đặc do uống ít nước… Trong một số trường hợp có thể liên quan đến bệnh lý ở đường tiết niệu và thận, khi đó cần được bác sỹ thăm khám một cách hệ thống để tìm nguyên nhân và có hướng xử lý phù hợp.
  • Pham My Ngoc :
  • Xin chào bác sĩ. Chồng em 33 tuổi, làm việc văn phòng, ít đi tiểu, thỉnh thoảng đau lưng (em thấy rất đau),khám sức khỏe định kỳ kiểm tra chức năng thận, gan thì kết quả bình thường. Em không biết chồng em phải làm các xét nghiệm gì và trị tại khoa nào? Em rất mong bác sĩ tư vấn. Em chân thành cám ơn.
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Khi có các vấn đề bất ổn về sức khỏe, đầu tiên nên đến khám bác sỹ Nội khoa tổng quát để có định hướng chẩn đoán. Bác sỹ Nội khoa tổng quát sẽ hướng dẫn việc thăm khám chuyên khoa phù hợp tiếp theo.
  • le dinh hieu :
  • Thưa bác sĩ tại sao khi sợ hãi người ta thường đi tiểu?
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Thông thường điều này có liên quan đến hệ thống thần kinh điều phối các hoạt động không tự chủ của cơ thể
  • bạn đọc giấu tên :
  • Theo tôi được biết ở Việt Nam hiện có 15 cơ sở có đủ điều kiện được tiến hành ghép tạng? Vì điều kiện địa lý mà bệnh nhân ghép tạng phải di cư từ trong nam ra bắc (hoặc từ bắc vào nam) thì chất lượng thuốc chống thải ghép của các đơn vị trên có giống nhau không?
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Hiện nay đã có 15 đơn vị trong cả nước thực hiện phẫu thuật ghép thận. Số cơ sở ghép các tạng khác ngoài thận thì ít hơn. Các thuốc ức chế miễn dịch cơ bản ở các đơn vị trong nước đều tương tự nhau, tuy nhiên đôi khi có thể dưới dạng một vài tên thương mại khác nhau tuỳ theo sự lựa chọn của Hội đồng thuốc và Điều trị từng bệnh viện và theo chính sách chi trả của cơ quan Bảo hiểm y tế tại vùng hay khu vực.
  • bạn đọc :
  • Tôi nghe nói lần ghép tạng lần 2 các tiêu chí để có thể ghép tạng là rất chặt chẽ. Vậy các chuyên gia cho tôi hỏi: 2.1 Các tiêu chí đó là những tiêu chí gì?
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Tiêu chí lựa chọn tạng để ghép lần 2 cũng bao gồm các thông số giống như lần ghép đầu tiên, bên cạnh đó còn phải dựa vào các thông số về định týp mô-HLA ở lần ghép đầu để chọn lựa người hiến nhằm giảm thiểu nguy cơ có phản ứng giữa các kháng thể đã hình thành từ lần ghép đầu với tạng mới ghép lại. Nếu có điều kiện người ta sẽ định lượng các kháng thể đã hình thành đó để có giải pháp xử lý khi cần thiết.
  • bạn đọc :
  • Ngoài các tiêu chí về (Nguồn tạng + kinh phí), + Các bệnh nhân ghép tạng lần 1 cần chuẩn bị những gì để có thể tiến hành ghép tạng (TH ghép thận) lần 2?
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Việc chuẩn bị ghép lại cũng tương tự như chuẩn bị ghép lần đầu. Các thăm dò đánh giá tình trạng sức khoẻ người nhận cũng tương tự như lần đầu. Có thể khi ghép lại, người nhận sẽ chủ động hơn lần ghép đầu do được cán bộ nhân viên y tế theo dõi thường xuyên. Nếu có người hiến tạng khi sống, thời điểm để chuẩn bị và tiến hành ghép lại có thể phù hợp hơn và người nhận không phải lọc máu để chờ đợi. Tuy nhiên, nhiều trường hợp do không có sẵn người hiến nên phải lọc máu trở lại để duy trì sự sống và chờ cơ hội ghép lại. Nếu là người nhận thận cần được bác sỹ chuyên khoa Thận khám, theo dõi và quản lý sức khoẻ, chỉ định thời điểm lọc máu phù hợp khi cần thiết, hoặc chuẩn bị cho việc ghép lại một cách chủ động để tránh phải lọc máu khi có thể.
  • bạn đọc :
  • Thời gian chuẩn bị là khi nào?
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Cần có bác sỹ chuyên khoa ước tính thời gian hoạt động còn lại của thận ghép để biết thời điểm bắt đầu chuẩn bị. Thông thường khi chức năng thận ghép được đánh giá là ở giai đoạn 3b-4 thì phải khởi động việc chuẩn bị. Tuy nhiên cần tính đến khoảng thời gian phải chờ tạng để điều chỉnh.
  • Hoi :
  • Mẫu xét nghiệm HLA của lần ghép đầu có được sử dụng để tìm nguồn tạng cho lần ghép thứ 2 không? nếu không sử dụng được thì khi nào có thể làm lại được HLA để chuẩn bị cho công tác tìm nguồn tạng phù hợp.
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Kết quả xét nghiệm HLA lần đầu rất hữu ích cho lần ghép sau. Những thông số HLA của người nhận không thay đổi, do vậy có thể sử dụng kết quả trước đó. Một số cơ sở y tế yêu cầu làm bổ sung thêm một vài thông số về hệ HLA khi ghép lại. Ngoài ra cần kiểm tra kỹ các kháng thể kháng HLA lưu hành đề phòng trường hợp người hiến có kháng nguyên HLA tương thích với kháng thể sẵn có trong cơ thể người nhận, vì điều này có thể gây phản ứng thải ghép tối cấp
  • bạn đọc :
  • Cơ sở y tế nào có thể làm lại HLA lần thứ 2 cho kết quả chính xác?
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Các trung tâm thực hiện ghép tạng chính, các trung tâm xét nghiệm lớn hiện đại hoặc các cơ sở trường Đại học Y lớn ở từng vùng.
  • Bạn đọc :
  • Chi phí cho lần ghép thứ 2 có tốn kém hơn lần ghép thứ 1 không (nguồn tạng đã có).
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Kinh phí phẫu thuật ít khác biệt. Có thể cần thêm kinh phí để điều trị đặc hiệu trước và sau ghép nhằm giảm thiểu các nguy cơ thải ghép cấp.
  • Nguyễn Thị Thu Huyền :
  • Thưa bác sỹ, năm nay em 44 tuổi, có bệnh thận hư từ năm 19 tuổi, đến nay ure và creatinin máu vẫn bình thường cách đây 2 năm bị bệnh tăng huyết áp đã sử dụng thuốc và huyết áp hiện nay là 140/80…, Đầu năm nay phát hiện bệnh tiểu đường, đường huyết lúc đói là 8,1mmol/l sử dụng thuốc metforin 500mg và ăn kiêng đường huyết hạ xuống còn 5.9mmol/l. Điều em muốn bác sỹ tư vấn là không hiểu tại sao cân nặng của em cứ tiếp tục giảm, em cao 1.67m đầu năm cân nặng 71kg, đến nay còn 62.5kg xuống cân đều hàng tháng. Từ lúc bị tiểu đường mỗi bữa em chỉ ăn 1 bát cơm nhỏ và ít thức ăn, ăn nhiều rau, tuyệt đối không ăn đồ ngọt. Em xin cảm ơn bác sỹ đã tư vấn.
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Có nhiều nguyên nhân gây giảm cân. Nếu bị giảm cân kéo dài và/hoặc làm ảnh hưởng đến khả năng lao động cần đi khám để tìm nguyên nhân. Một trong những lý do có thể gây giảm cân là ăn kiêng tinh bột. Thuốc hạ đường huyết Metformin cũng có thể gây giảm cân.
  • Nguyễn Thị Diễm Thi :
  • Ba tôi bị nang thận 41mm. Xin hỏi bác sĩ, tôi có nên mổ nội soi không? Ba tôi đã 63 tuổi không biết sức khỏe chịu đựng nổi không. Xin bác sĩ cho lời khuyên. Cám ơn bác sĩ.
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Khi có nang ở thận cần được bác sỹ chuyên khoa khám và đánh giá những yếu tố sau:- Có 1 nang hay nhiều nang?- Có dấu hiệu nhiễm trùng, chảy máu hay nguy cơ chuyển biến thành ác tính ở nang không?
  • Thông thường những nang đơn độc, không gây tắc đường tiết niệu, không bị nhiêm trùng hay chảy máu, không có nguy cơ ác tính hoá… thì người ta có thể không cần can thiệp. Nếu là nang trong bệnh cảnh thận đa nang cũng hạn chế tối đa can thiệp. Thông thường người ta chỉ can thiệp khi có dấu hiệu tắc nghẽn, nhiễm trùng, chảy máu hay ác tính hoá. Các chuyên gia chẩn đoán hình ảnh có tiêu chuẩn phân loại nang thận và các bác sỹ chuyên khoa Thận sẽ chọn tần suất khám và theo dõi định kỳ phù hợp nhằm phát hiện các bất thường cần can thiệp. Khi có chỉ định can thiệp, bệnh nhân sẽ được khám kỹ càng để cân nhắc nguy cơ và lợi ích. Các bác sỹ chuyên khoa sẽ có tư vấn phù hợp để giúp bệnh nhân quyết định lựa chọn phương pháp phẫu thuật tuỳ theo tình trạng bệnh lý của mỗi người.
  • – Có dấu hiệu cản trở sự bài tiết nước tiểu không?
  • – Nang ở 1 bên thận hay cả 2 bên
  • Nu :
  • Chồng em năm nay 34 tuổi, phát hiện suy thận giai đoạn cuối từ T3/2015, hiện đang điều trị chạy thận nhân tạo tại bệnh viện ThốngNhất, TPHCM. Đợt siêu âm định kỳ gần đây thì phát hiện thêm tim bị hở van 2 lá nhẹ. Bác sĩ cho em hỏi, em có thể liên hệ với những nguồn hiến thận ở đâu, và em có thể tiếp cận với những chương trình hỗ trợ hay chia sẽ chi phí ghép thận nào không?
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Trong TP Hồ Chí Minh có đơn vị đăng ký chờ nhận thận tại bệnh viện Chợ Rẫy. Một số đơn vị có thể cung cấp thông tin về nguồn hỗ trợ liên quan đến ghép thận như bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Nhân dân 115. Ngoài ra ở mỗi đơn vị, mỗi bệnh viện đều có mạng lưới các đơn vị truyền thông cộng tác với họ giúp kêu gọi hỗ trợ và có các nguồn kinh phí từ thiện để hỗ trợ những trường hợp đặc biệt khó khăn.
  • Hoàng Anh Sơn, Phú Yên :
  • Tôi được biết sau khi ghép thận, nếu thí chứng tốt, bệnh nhân chỉ phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời. Nhưng nếu không thì bênh nhân có thể phải lọc máu và điều trị như trước lúc ghép. Vậy nếu không thí chứng tốt, bệnh nhân cần điều trị như thế nào? Giữa phương pháp lọc máu và thẩm phân phúc mạc thì phương pháp nào tối ưu hơn?
  • PGS.TS. Hà Phan Hải An :
  • Chưa thật hiểu rõ ý của bạn khán thính giả hỏi về “thí chứng tốt” là gì. Tuy nhiên nếu ghép thận thành công và thận ghép còn hoạt động, bệnh nhân cần duy trì uống thuốc ức chế  miễn dịch dài hạn để bảo tồn thận ghép. Nếu ghép thận thất bại, bệnh nhân cần được duy trì sự sống bằng các phương pháp điều trị thay thế thận khác là lọc máu gồm lọc màng bụng và chạy thận nhân tạo.
  • Mỗi phương pháp lọc máu đều có ưu và nhược điểm. Về cơ bản thận nhân tạo đòi hỏi phải có trang thiết bị (máy thận, hệ thống nước…), cần có đường mạch máu để lọc, người bệnh phụ thuộc vào máy thận nhân tạo và cần tuân thủ lịch trình điều trị và chế độ ăn nghiêm ngặt. Người bệnh có nguy cơ phơi nhiễm với các bệnh lây qua đường máu. Do chế độ lọc máu ngắt quãng nên có dao động lớn hơn về các chỉ số xét nghiệm và lâm sàng, có thể gây khó chịu cho những người có bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên, hiệu suất điều trị của phương pháp này là cao nhất và phù hợp với một số trường hợp cấp cứu. Lọc màng bụng không đòi hỏi nhiều trang thiết bị phức tạp, cho phép người bệnh tự do hơn do có thể thực hiện tại nhà, nguy cơ phơi nhiễm với các bệnh lây qua đường máu rất thấp. Do quá trình lọc diễn ra liên tục, chế độ ăn có thể được mở rộng hơn và sự dao động về chỉ số xét nghiệm hay lâm sàng ít hơn so với khi lọc thận nhân tạo. Tuy nhiên, hiệu suất lọc của phương pháp này thấp hơn nhiều so với thận nhân tạo và phụ thuộc vào đặc tính của màng bụng mỗi người, bệnh nhân có nguy cơ bị viêm phúc mạc nếu không thao tác tốt hoặc không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thao tác. Bệnh nhân già yếu, mắt kém khó thực hiện được phương pháp này nếu không có máy và người hỗ trợ. Còn một số điểm khác biệt đặc trưng riêng cho hoàn cảnh Việt nam. Các bác sỹ chuyên khoa Thận sẽ thảo luận, cung cấp thông tin cho các bệnh nhân để giúp họ chọn được phương pháp phù hợp với mỗi người.