Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh đã đề xuất, đối với những người Hàn Quốc đi từ vùng có dịch của nước này khi đến Hà Nội cần cách ly tại nhà 14 ngày.
Hà Nội họp đột xuất bàn cách ứng phó tình hình dịch Covid-19 “nóng” tại Hàn Quốc, Nhật Bản
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh covid-19 (mới được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên chính thức là SARS-CoV-2) ở nhiều quốc gia, chiều nay 23/2, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Hà Nội đã tổ chức cuộc họp đột xuất.
Nói về lý do triệu tập họp đột xuất, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, theo thông lệ, cuộc họp của Ban sẽ diễn ra vào chiều thứ 2, nhưng trước diễn biến tình hình phức tạp tại Hàn Quốc, Nhật, Iran, Ý… và những thông tin mới cập nhật của WHO, chỉ đạo của Bí thư Thành ủy yêu cầu phải cập nhật ngay tình hình tại Hàn Quốc, Nhật Bản để phục vụ công tác phòng ngừa.
Chủ tịch Hà Nội nói, với kinh nghiệm của Nhật, Hàn, Iran cho thấy, nếu đánh mất thời gian vàng, khi đang có điều kiện phòng ngừa mà không thực hiện để đến lúc bệnh nhân tử vong thì sẽ rất khó truy lại được quá trình người đó tiếp xúc với người khác.
Về nội dung cuộc họp, ông Chung nói, sẽ tập trung vào việc cập nhật tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới. Thứ hai, sẽ thông tin về việc thành phố đã làm và Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin về nội dung cuộc họp sáng qua tại Chính phủ.
Thứ ba, quán triệt một số nội dung công việc cần triển khai ngay để nắm tình hình, bởi nguy cơ trên địa bàn thành phố hiện rất lớn.
Người đứng đầu UBND TP Hà Nội nêu rõ, hiện chưa có thông tin nào từ Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 coi Hàn Quốc là vùng dịch, nhưng diễn biến rất phức tạp.
Bên cạnh đó, 15 – 20 ngày qua người Hàn Quốc qua lại Việt Nam rất bình thường và lượng người Hàn Quốc ở Hà Nội rất lớn.
Ngoài ra, người Việt Nam lao động, học tập ở Hàn Quốc cũng rất nhiều nên nếu tình hình xấu khiến Hàn Quốc phức tạp như Vũ Hán, phải đưa người về thì Hà Nội phải tiếp nhận hàng chục ngàn người chứ không ít, do đó phải chuẩn bị.
Nêu các diễn biến bất thường của tình hình dịch trên thế giới, như việc Hàn Quốc chỉ 1 người nhiễm nhưng lây cho 107 người, có những trường hợp cá biệt ủ bệnh đến 27 ngày, ông Chung cho rằng tình hình là “rất gay đấy, chứ không phải chúng ta nghĩ là đơn giản”.
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu trước mắt cần nâng mức độ cảnh báo đi lại, bởi hiện Mỹ cũng đã nâng cảnh báo đi lại giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản lên mức 2 và Tổng thống Hàn Quốc cũng vừa nâng cảnh báo dịch tại Hàn Quốc lên mức cao nhất.
Đề xuất cách ly tại nhà với người Hàn Quốc đến từ các vùng có dịch
Liên quan đến tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp ở Hàn Quốc, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện tại ở nước này đến sáng nay đã có hơn 500 ca mắc, chủ yếu ở Daegu và Gyeongsang.
Các ca bệnh tập trung tại 2 chùm là cơ sở tôn giáo và cơ sở y tế. Hàn Quốc đã áp dụng biện pháp đặc biệt về y tế nhưng chưa phong tỏa mà chỉ khuyến cáo công dân không rời khỏi nơi cư trú.
Ông Hạnh thông tin, hiện có khoảng 26.000 người Việt Nam đang cư trú tại 2 tỉnh có dịch và hàng ngày có 14 chuyến bay từ Daegu về Đà Nẵng và 7 chuyến về Cam Ranh. Nhưng từ 17/2 đã dừng bay từ Daegu về Đà Nẵng, hiện chỉ còn 4 chuyến/tuần đến Cam Ranh.
Trước diễn biến tình hình dịch ở Hàn Quốc, ông Hạnh đã đưa ra 4 đề xuất đề nghị UBND TP có chỉ đạo cụ thể.
Thứ nhất, ông Hạnh đề xuất, đối với những người Hàn Quốc đi từ vùng có dịch của Hàn Quốc, người nước ngoài đến từ vùng có dịch, khi đến Hà Nội cần cách ly 14 ngày tại nhà và đề nghị Sở Ngoại vụ có ý kiến thêm do liên quan đến người nước ngoài.
Thứ hai, đối với người Việt Nam đi từ vùng có dịch của Hàn Quốc trở về Hà Nội, đề xuất cách ly tập trung 14 ngày. Ngoài ra, do lượng người lớn, nên ông Hạnh đề nghị, Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức bố trí, cách ly và Sở Y tế sẽ phối hợp việc giám sát sức khỏe.
Thứ ba, tất cả những người đi từ nước ngoài về, nhất là ở các nước có dịch, ông Hạnh đề nghị, các xã phường phải nắm được danh sách và lịch trình của họ.
“Nếu như nắm được danh sách thì sẽ chủ động khi có vấn đề về sức khỏe và có biện pháp kịp thời. Còn nếu không nắm được danh sách từ đầu sẽ rất khó khi có vấn đề xử lý”, ông Hạnh nói.
Thứ tư, ông Hạnh đề nghị cần tiếp tục khuyến cáo người dân không nên đi du lịch sang các đất nước có dịch. Đối với những người cần thiết phải đi sang thì cần hết sức lưu ý.
Tại cuộc họp, đại diện UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, trên đia bàn đang có, 11.172 người nước ngoài đang sinh sống, chủ yếu là người Hàn Quốc với 9.127 người, tạm trú dài hạn 8.166 người, ngắn hạn là 961 người.
Số người Hàn Quốc này ở rải rác cả 10 phường, trong đó, tập trung tại 2 phường Mỹ Đình 1 có hơn 3.000 và Mễ Trì hơn 4.000.
Còn đại diện UBND quận Thanh Xuân cho biết, hiện quận có 1.600 người Hàn Quốc, trong đó, 1.200 người ở Royal City, Nhân Chính 200 người và 200 người ở khu chung cư Thanh Xuân Trung.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến 15h hôm nay, trên đia bàn thành phố chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với Covid-19.
Theo lãnh đạo Sở, 77/77 trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Covid-19 đã có kết quả âm tính. Hiện nay, còn 384/2.108 trường hợp còn tiếp tục phải cách ly theo dõi sức khỏe. Đồng thời, còn 64/69 trường hợp đang tiếp tục được cách ly tập trung tại Bệnh viện Công an TP.
Căn cứ theo số liệu báo cáo của Ủy ban Y tế Trung Quốc, tình hình dịch tại Trung Quốc đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, dịch bệnh lại đang có nguy cơ lan nhanh và rộng ra các quốc gia khác ngoài Trung Quốc, đặc biệt tại Hàn Quốc, Nhật Bản… vì vậy tình hình sẽ trở nên khó kiểm soát hơn đối với các nước khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Mặc dù số mắc ở Việt Nam vẫn dừng ở 16 trường hợp và tất cả đã khỏi bệnh, nhưng nguy cơ vẫn lớn khi thường xuyên có một lượng lớn người di chuyển từ các quốc gia có dịch đến Việt Nam làm việc, sinh sống, học tập và ngược lại.