Tình tiết của bộ phim Hoa Hồng trên ngực trái khiến khán giả xem phim “sốc” và cho rằng biên kịch đã quá tay khi xây dựng câu chuyện mang tính phi lý và kinh dị.
Phim phản khoa học và thiếu nhân văn
Ở tập 45 của phim, khi ca phẫu thuật của bé Bống được bác sĩ thông báo là không thành công và bé Bống phải được ghép tim mới có thể cứu được.
Ngay lúc đó, cả Khuê và mẹ Thái đều muốn hiến tim cứu bé. Thấy mẹ và vợ cũ tuyệt vọng, Thái nghĩ ra cách mình tự sát để lấy tim hiến cho con gái. Điều khán giả “choáng” đó là cả Bảo và Khang đều biết ý định của Thái và không ai can ngăn. Cái chết của Thái diễn ra khá kinh dị và khiến người xem nhất là những người hiểu biết về hiến tạng và ghép tạng đều cảm thấy bất bình và phi lý của biên kịch xâu dựng nên.
Một vài ý kiến cho rằng đó là phim, là nghệ thuật nhưng cũng có nhiều người thì phản đối dù là phim cũng không thể phi lý và thiếu khoa học được.
Trao đổi với chúng tôi, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm điều phối và ghép tạng quốc gia cho biết dù không xem phim và cũng được nhiều người hỏi về tình tiết. Đây chỉ là phim ảnh có thể biên kịch muốn xây dựng nên hình tượng người cha hi sinh tất cả vì con cái.
Tuy nhiên, ở góc độ khoa học, Thạc sĩ Phúc cho biết tất cả các quốc gia đều quy định hiến tim phải là người đã chết não. Không ai nhận tạng và dẫn tới cái chết cho người đó kể cả người đó có bị bệnh ung thư hay bệnh nan y nào khác.
Hơn nữa, việc hiến tim và ghép vô cùng nghiêm ngặt bởi vì hiến tim phải phù hợp nhóm máu, phù hợp chỉ số HLA, cân nặng cũng như nhiều điều kiện khác chứ không phải đơn giản như hiến máu.
Với một người chết não mà bị ung thư muốn hiến tạng: tại 1 số nơi trên thế giới, có thể tạng của 1 bệnh nhân ung thư hiến tặng sẽ được ghép cho 1 bệnh nhân ung thư chờ tạng. Tuy nhiên, tại Việt Nam thì hiện không tiếp nhận tạng của bệnh nhân ung thư.
Bệnh nhân ung thư sau khi chết có thể hiến tặng được giác mạc vì giác mạc của người không bị ảnh hưởng gì khi người đó bị ung thư.
Thế nào là chết não?
Theo GS Trịnh Hồng Sơn – Phó Giám đốc BV Việt Đức hiện nay lấy tạng để ghép đều lấy từ người cho chết não vì khi chết não là không thể sống được nữa.
Trên thế giới cũng như tại Việt Nam đến giai đoạn hiện nay chưa có 1 trường hợp nào chẩn đoán chết não mà sống lại được. Chẩn đoán chết não cũng được pháp luật quy định rất cụ thể.
Thứ nhất là bệnh nhân hôn mê sâu không thể tiếp xúc được với thế giới bên ngoài.
Thứ 2 là không cử động nhúc nhích gì cả ( liệt toàn bộ).
Thứ 3 là mất hết các phản xạ của thân não (ví dụ như cho ống hút vào họng thì không ho không sặc..).
Thứ 4 là không thể tự thở được mà phải thở máy hoặc bằng bóp bóng.
Thứ 5 là một trong các tiêu chuẩn sau: hoặc điện não đồ, hoặc siêu âm đốp le xuyên sọ, hoặc chụp mạch não không còn tín hiệu.
Chết não không phải sống thực vật. Người sống thực vật vẫn ăn uống, vẫn tự thở, không liệt. GS Sơn cho rằng không nên hiểu lầm chết não với sống thực vật. Người chết não chắc chắn chết. Người chết não không thể là người sống thực vật được.
Để kết luận 1 người chết não phải có 1 hội đồng đánh giá chết não bao gồm các chuyên khoa liên quan. Sau khi đánh giá lần đầu, hội đồng phải đánh giá thêm 2 lần nữa, mỗi lần cách nhau 6h, các chỉ số không tiến triển mới kết luận người đó đã chết não hoàn toàn.
Không phải ai chết cũng trải qua việc chết não. Không phải bệnh nhân chết não nào cũng hiến được nội tạng. Bệnh nhân chết não hiến được tạng là phần tạng của họ phải còn tốt, đủ điều kiện để ghép cho các bệnh nhân khác.