Chuyên gia bệnh truyền nhiễm khẳng định các ca tái dương là do cơ thể còn sót mảnh vật liệu di truyền của virus, không gây nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng điều trị Covid-19, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, loại bỏ khả năng các ca tái dương tính là “người lành mang trùng” (người mang virus không hoạt động) và tái nhiễm.
Ông cho biết các bệnh nhân dương tính vào giờ chót – xét nghiệm dương tính ngay trước khi hết giai đoạn theo dõi sau xuất viện 14 ngày – đều không có triệu chứng, khỏe mạnh. Vì vậy họ không phải điều trị lại từ đầu mà chỉ cách ly, theo dõi sức khỏe.
Các chuyên gia lấy mẫu xét nghiệm lại và nuôi cấy virus để nghiên cứu nguyên nhân gây tái dương tính. Kết quả, không nhân được virus từ mẫu bệnh phẩm của người tái dương. Mặt khác, cơ thể con người có quá trình đào thải mầm bệnh. Còn xét nghiệm Realtime RT-PCR là để tìm vật liệu di truyền, không khẳng định virus sống hay bất hoạt.
Bác sĩ Kính khẳng định: “Mảnh vật liệu di truyền của nCoV còn sót lại trong cơ thể sau quá trình đào thải là nguyên nhân tái dương tính”.
Từ hiện tượng dương tính lại, bác sĩ Kính cho biết cần nghiên cứu thêm về cơ chế đào thải mầm bệnh, đáp ứng miễn dịch và sản sinh kháng thể trên người để có các nhận định chính xác hơn.
Hiện Việt Nam ghi nhận 14 trường hợp tái dương tính, trong đó hai người vừa được công bố khỏi bệnh lần thứ hai. Bác sĩ Kính cũng cho biết đến nay chưa ghi nhận ca lây virus từ những người này.
“Về mặt y tế công cộng, chúng ta không còn e ngại gì đối với các ca tái dương tính”, ông nói.
Chi Lê