Tan Thanh Medical – Trust – Cooperation – Success

Nhiễm loại vi khuẩn có trong đất bẩn, cậu bé nguy kịch

Ngày đăng: 31-10-2023 Lượt xem: 427

Mắc loại bệnh ít gặp do vi khuẩn có trong đất và nước bị ô nhiễm, bé C. sốt cao liên tục 8 ngày, suy hô hấp. Khi chuyển vào TP.HCM, trẻ suy gan thận rất nặng.

Trường hợp đặc biệt trên là bệnh nhi N.B.T.C (6 tuổi, trú tại Bình Định). Khai thác bệnh sử ghi nhận bệnh nhi sốt cao 8 ngày liên tục, đau họng, tiêu phân lỏng kèm khó thở.

Tại bệnh viện địa phương, bác sĩ chẩn đoán em bị viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết, được điều trị tích cực. Tuy nhiên, tình trạng nặng dần, trẻ suy hô hấp, tràn khí màng phổi, trung thất, tổn thương đa cơ quan, phải đặt nội khí quản và liện hệ chuyển vào TP.HCM.

Phó giáo sư, bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết trẻ được chuyển trên quãng đường hơn 600km từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định vào TP.HCM với hy vọng còn nước còn tát.

Thời điểm nhập Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, trẻ mê, suy hô hấp nặng, tràn khí dưới da, vàng da niêm sậm kèm xuất huyết da niêm rải rác. Các bác sĩ tiến hành hồi sức tích cực bằng thở máy, kháng sinh, chăm sóc dinh dưỡng nhưng em C.  không cải thiện, tổn thương gan thận nặng.

nhi dong 1 -pgs quang.jpg
Em C. được lọc máu, thay huyết tương vì suy đa tạng nguy kịch. Ảnh: BVCC.

Sau đó, bệnh nhi được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực Chống độc để thở máy, lọc máu liên tục và thay huyết tương nhiều đợt, dùng kháng sinh mạnh. Các bác sĩ cũng chỉ định các xét nghiệm tìm nguyên nhân.

Kết quả cho thấy bệnh nhi C. bị nhiễm trùng huyết do xoắn khuẩn Leptospira (xoắn khuẩn vàng da) gây tổn thương gan thận nặng, nguy cơ tử vong. Trải qua hơn 2 tuần điều trị tích cực, trẻ đã cải thiện ngoạn mục, chức năng gan thận và hô hấp hồi phục. Sau khi ngưng thay huyết tương, lọc máu, cai máy thở, bé hết sốt, tỉnh táo và chuyển về Khoa Nhiễm tiếp tục theo dõi.

Theo Phó giáo sư Quang, nhiễm xoắn khuẩn Leptospira là bệnh của động vật truyền sang người. Hiện nay, bệnh ít gặp hơn so với 20 năm trước. Nhiễm xoắn khuẩn Leptospira xảy ra chủ yếu ở vùng nông thôn, chăn nuôi gia súc vào mùa mưa, lụt lội.

Leptospira có trong nước hoặc đất ẩm ướt đã bị ô nhiễm bởi nước tiểu súc vật (trâu, bò, heo, chuột…), xâm nhập vào cơ thể qua da, vết trầy xước, niêm mạc và gây bệnh cho người. Bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị kháng sinh thích hợp.

Bệnh nhiễm xoắn khuẩn Leptospira có thể ẩn, thể nhẹ đến thể lâm sàng cấp tính (hội chứng Weil) có thể gây tử vong. Ở thể bệnh nặng, người bệnh bị sốt cao kéo dài, rét run, đau cơ, vàng da, vàng mắt, tiểu vàng sậm, xuất huyết da niêm, dẫn tới suy gan thận cấp.

Từ khóa:

Bài viết liên quan

02422286868