Chạy thận nhân tạo là phương pháp dùng để điều trị bệnh suy thận.

Bình thường, thận làm việc để lọc máu và thải chất độc, nước và muối ra khỏi cơ thể. Khi thận suy, đặc biệt là suy thận giai đoạn cuối, quả thận ngừng làm việc hoàn toàn.

Chạy thận nhân tạo, máy lọc thận sẽ làm việc thay thế thận. Máu được bơm từ cơ thể, qua màng lọc của máy lọc máu và quay trở về cơ thể.

Bao lâu chạy thận nhân tạo một lần và kéo dài như thế nào?

Bạn sẽ phải chạy thận nhân tạo 3 lần mỗi tuần, thời gian mỗi lần chạy thận từ 3-4 giờ đồng hồ. Khi thận ngưng làm việc, việc lọc thận là suốt đời.

Khi nào chạy thận nhân tạo?

Bác sĩ sẽ giải đáp lúc nào bạn cần chạy thận nhân tạo, điều này phụ thuộc vào tình trạng chức năng thận và tình trạng sức khỏe của bạn. Bác sĩ sẽ kiểm tra máu để đánh giá chức năng thận.

Trước khi bạn bắt đầu lọc máu định kỳ, bạn phải được mổ FAV để chuẩn bị cho quá trình chạy thận sau này. FAV là một đường nối động mạch và tĩnh mạch tại tay của bạn, để khi chạy thận, bác sĩ lấy máu từ một nơi trên FAV và sau khi lọc xong, máu trả về ở vị trí gần đó trên đường nối động mạch-tĩnh mạch này.

Dấu hiệu xảy ra trong quá trình lọc máu?

Có thể có vài dấu hiệu xảy ra trong quá trình lọc máu và bạn cần báo cho điều dưỡng hoặc bác sĩ ngay:

– Cảm thấy nhìn mờ;

– Khó thở;

– Đau bụng;

– Vọp bẻ;

– Buồn nôn hay nôn ói.

Lưu ý gì thêm hay không?

– Cần phải giữ gìn và chăm sóc FAV: rửa sạch bằng xà phòng và nước ấm mỗi ngày, trước mỗi lần lọc máu; không đè ép hay mang vác đồ vật nặng bằng tay có mổ FAV; không cho ai đo huyết áp tay có mổ FAV.

– Kiểm tra FAV mỗi ngày: khi có bất thường về dòng máu hay cảm thấy không thoải mái bất kỳ điều gì về tay có mổ FAV cần báo ngay cho điều dưỡng và bác sĩ.

– Theo dõi cân nặng hàng ngày: khi thận không làm việc, nước tiểu sẽ giảm, máy lọc máu giúp bạn lấy dịch thừa ra ngoài, vì vậy bạn cần theo dõi cân nặng hàng ngày để giúp xác định lượng dịch dư thừa.

– Chế độ ăn đặc biệt: bạn cần hạn chế thức ăn nhiều muối mặn và nhiều kali; thức ăn nhiều chất khoáng có thể giúp bạn tránh loãng xương khi bạn bị suy thận.

Tôi có thể làm việc nếu bị suy thận mạn?

Bạn hoàn toàn có thể làm công việc nhẹ nhàng phù hợp, tránh tổn thương FAV.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP.HCM