Ở tuổi 20-24, phụ nữ dễ thụ thai nhất; ở tuổi 25-34 phụ nữ sinh và chăm nuôi con tốt nhất. Từ 35 tuổi trở đi, khả năng sinh giảm và nguy cơ con mắc bệnh tăng.
Theo bác sĩ Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Truyền thông và Giáo dục, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế, về mặt sinh học, phụ nữ nên sinh con thứ hai trước 35 tuổi để nâng cao chất lượng dân số. Do đó, chương trình điều chỉnh mức sinh vừa được Thủ tướng phê duyệt khuyến khích nam và nữ kết hôn trước 30 tuổi. Đây là lứa tuổi phù hợp để thực hiện việc sinh nở và nuôi dưỡng con cái thành công.
Tại sao nên sinh con trước 35 tuổi?
Nghiên cứu lâm sàng cho thấy nguyên nhân chủ yếu khiến phụ nữ lớn tuổi sinh con khó là do vấn đề ở buồng trứng. Nếu sinh con ở tuổi vị thành niên, người phụ nữ gặp trở ngại bởi khung xương chậu chưa giãn nở tối đa.
Các hiệp hội sản phụ khoa trên thế giới khẳng định độ tuổi tốt nhất để sinh con của phụ nữ là trong khoảng từ 20 đến dưới 35 tuổi. Khả năng sinh sản của phụ nữ thay đổi theo độ tuổi.
Ở độ tuổi 20-24, phụ nữ dễ thụ thai nhất. Sau đó, khả năng thụ thai giảm dần, ở mốc 35 tuổi trở đi bắt đầu giảm mạnh. Đến khi bước sang tuổi 45, rất ít phụ nữ có thể thụ thai một cách tự nhiên.
Điều này được lý giải như sau: một bé gái sinh ra có khoảng 2 triệu nang noãn (trứng chưa trưởng thành) trong cơ thể. Số lượng nang noãn này “rơi rụng” theo quá trình bé gái lớn lên và sụt giảm nhanh chóng kể từ lúc dậy thì. Mỗi chu kỳ kinh nguyệt, hàng trăm nang noãn được “huy động” để chuẩn bị cho sự rụng trứng, nhưng chỉ có một hay vài trứng chín và rụng. Số còn lại bước vào quá trình tự tiêu hủy dưới sự tác động của hormone sinh dục nữ. Như vậy, theo thời gian, số lượng nang noãn giảm dần và sẽ hết khi mãn kinh. Điều này không giống như ở người đàn ông, tinh trùng được sinh ra liên tục.
“Xét về khả năng thụ thai thì 20-24 là độ tuổi tốt nhất, nhưng ở khía cạnh chăm sóc con cái sau sinh thì phụ nữ 25-34 tuổi thuận lợi hơn do khả năng ổn định hơn về tâm lý, tài chính…”, bác sĩ Phương nói.
Nguy cơ có thể gặp
Mang thai sau 35 tuổi có thể gặp nhiều khó khăn, nguy cơ cho cả mẹ và bé. Khả năng sinh sản của người phụ nữ bắt đầu giảm từ sau 32 tuổi và giảm nhanh hơn từ sau 37 tuổi. Những vấn đề có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như lạc nội mạc tử cung và u xơ tử cung cũng thường gặp hơn ở phụ nữ lớn tuổi hơn.
Bên cạnh khả năng thụ thai, phụ nữ càng lớn tuổi sinh con càng đối diện nguy cơ cao gặp biến chứng trong thai kỳ như tiểu đường, cao huyết áp, sảy thai. Đặc biệt, nguy cơ con bị dị tật bẩm sinh, chậm phát triển về thần kinh vận động cũng tăng theo tuổi của mẹ. Nguyên do là mẹ càng lớn tuổi thì khả năng các nhiễm sắc thể ở trứng dính vào nhau càng cao, dẫn đến các bệnh liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể cho thai nhi như hội chứng Down, Edwards…
Nghiên cứu cho thấy người mẹ 25 tuổi thì tỷ lệ sinh con mắc bệnh Down chỉ 1/1.250 ca; mẹ 30 tuổi tỷ lệ này 1/952, trên 35 tuổi 1/378, trên 45 tuổi tỷ lệ 1/30.
Phụ nữ lớn tuổi thường có sẵn nhiều vấn đề bệnh lý hơn so với phụ nữ trẻ, chẳng hạn như huyết áp cao dễ dẫn tới nguy cơ tiền sản giật. Nguy cơ mắc tiểu đường hay tiểu đường thai kỳ cũng gia tăng theo tuổi, gây nhiều biến chứng đe dọa trực tiếp đến tính mạng người mẹ và sức khỏe của bé.
Phụ nữ lớn tuổi, nguy cơ đa thai cao hơn phụ nữ trẻ. Ngoài ra, một số biện pháp điều trị vô sinh dẫn tới tăng nguy cơ mang đa thai.
Đa thai có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng như sinh non, tiền sản giật, ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai và tiểu đường thai kỳ. Nguy cơ và độ nặng của bệnh tăng lên theo số thai nhi mà mẹ đang mang. Ngoài ra, nguy cơ thai chết trong tử cung cũng cao hơn ở những phụ nữ trên 35 tuổi.
Phụ nữ độ tuổi 30 thường được chỉ định mổ lấy thai, nhiều hơn phụ nữ ở tuổi 20. Mổ lấy thai cũng có nhiều nguy cơ như nhiễm trùng, tổn thương ruột hay bàng quang, phản ứng với thuốc gây tê hoặc thuốc gây mê.
Trước khi mang thai cần chuẩn bị gì?
Bác sĩ Phương khuyến cáo, chuẩn bị mang thai, phụ nữ nên đi khám sức khỏe, phát hiện sớm các bệnh lý phụ khoa. Qua đó bác sĩ sẽ nắm được tiền sử bệnh, loại thuốc mà các mẹ đang sử dụng… Phải ngưng uống một số thuốc làm ảnh hưởng đến việc thụ thai.
Trong trường hợp đang có bệnh, cần điều trị dứt điểm vì nếu không sẽ ảnh hưởng đến quá trình mang thai. Bệnh lý phụ khoa thường gặp là viêm phụ khoa, polyp cổ tử cung, u buồng trứng, lạc nội mạc tử cung…
Nên xét nghiệm máu để tìm các bệnh lý về máu như thiếu máu, Thalassemia; hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục ảnh hưởng đến thai kỳ như viêm gan B, HIV, giang mai… Bác sĩ cũng sẽ tư vấn cho bạn chế độ ăn uống phù hợp trước khi mang thai. Ví dụ nên dùng 0,4 mg acid folic mỗi ngày để giảm nguy cơ sinh con mang dị tật ống thần kinh.
Tập thể dục đều đặn. Giảm cân nếu bạn đang thừa cân hay béo phì. Ngưng hút thuốc, uống rượu bia hay sử dụng các thuốc bất hợp pháp. Trong thai kỳ, tránh tiếp xúc với các hóa chất ở nhà hay nơi làm việc mà có thể gây hại cho thai nhi.
Đi khám thai sớm và đều đặn trong suốt thai kỳ. Điều này rất quan trọng vì mỗi lần khám bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe của cả mẹ và bé để phát hiện, giải quyết kịp thời bất cứ vấn đề nào có thể xảy ra.
Khi nào nên khám sức khỏe sinh sản?
Khám sức khỏe trước khi kết hôn bao gồm khám sức khỏe tổng thể và khám sức khỏe sinh sản. Trong đó, khám sức khỏe tổng thể phát hiện bệnh tật có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của mình và người bạn đời để có kế hoạch điều trị sớm như viêm gan B, HIV hay các bệnh di truyền, bệnh liên kết giới, bệnh tim, bệnh về đường sinh dục…
Khám sức khỏe sinh sản là giai đoạn từ lúc một người bắt đầu có khả năng sinh sản đến khi kết hôn, bao gồm cả trẻ vị thành niên khi đã bắt đầu có khả năng sinh sản, cho đến những người lớn tuổi hơn (thậm chí 30- 0 tuổi) mà chưa từng kết hôn.
Thực tế hiện nay, các cặp đôi thường chỉ bắt đầu đi khám sức khỏe sinh sản trước khi kết hôn. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể đi khám sớm hơn để sàng lọc các vấn đề sức khỏe. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, tốt nhất nên đi khám sức khỏe trước hôn nhân tối thiểu 3 tháng trước khi kết hôn để có nhiều thời gian chuẩn bị hơn.
“Khám sức khỏe giúp đôi lứa chuẩn bị kết hôn có thể bước vào đời sống vợ chồng một cách tự tin với lối sống tình dục an toàn, sẵn sàng chào đón một em bé khỏe mạnh”, bác sĩ Phương nói.
Bà mẹ tương lai cũng cần hiểu rõ và tiêm vaccine, bổ sung khoáng chất, chế độ dinh dưỡng hợp lý để chuẩn bị điều kiện sức khỏe mang thai và sinh đẻ an toàn. Khi ấy, phụ nữ cũng kiểm soát được kế hoạch mang thai, thời điểm có con và số lượng con cái một cách phù hợp.