Nhiều thông tin cho rằng thời gian ủ bệnh của bệnh nhân thứ 16 nhiễm virus corona tại Vĩnh Phúc kéo dài hơn so với khuyến cáo 14 ngày của các chuyên gia dịch tễ.
Trưa ngày 12/2, Bộ Y tế thông tin về trường hợp nhiễm virus corona (COVID-19) thứ 16 tại Việt Nam. Bệnh nhân được xác định mắc bệnh là ông N. V. V (50 tuổi, địa chỉ: xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) bố đẻ của bệnh nhân N. T. D (1 trong 8 người đi từ Vũ Hán về).
Sau khi Bộ Y tế thông tin về ca bệnh thứ 16 trên mạng xã hội đã có nhiều người cho rằng, bệnh nhân V thời gian ủ bệnh hơn 14 ngày. Thông tin trên khiến cho rất nhiều người dân lo ngại vì thời gian ủ bệnh kéo dài, bệnh không triệu chứng thì nguy cơ lây truyền bệnh ra cộng đồng sẽ cao hơn.
Trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc về thông tin này, ông Hải cho hay đối với trường hợp bệnh nhân V chưa xác định được thời gian bị nhiễm virus từ ai và nhiễm từ bao giờ. Thời gian ủ bệnh của các trường hợp mắc như thế nào thì phải do chuyên gia dịch tễ nghiên cứu.
Sau khi xác định vợ và 2 con gái bệnh nhân V bị mắc bệnh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa người này vào danh sách người tiếp xúc gần, được cách ly và theo dõi sức khoẻ hàng ngày.
“Trong quá trình theo dõi cách ly bệnh nhân không có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Tuy nhiên, ngày 11/2/2020, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi thoáng qua, được cán bộ y tế ghi nhận, lấy mẫu và gửi về Viện VSDTTƯ để xét nghiệm.
Kết quả xét nghiệm khẳng định bệnh nhân V dương tính. Hiện bệnh nhân đang được cách ly tại phòng khám đa khoa Quang Hà, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc và trong tình trạng sức khoẻ ổn định”, ông Hải thông tin.
PGS.TS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho hay: “Cho đến nay các bệnh nhân mắc bệnh thời gian ủ bệnh vẫn trong khoảng 14 ngày. Thời gian này được tính từ lúc tiếp xúc với mầm bệnh đến khi có triệu chứng, chứ không phải tính tới thời điểm trả lời kết quả.
Rất có thể bệnh nhân V không bị lây bệnh từ con gái D mà là lây qua tiếp xúc với vợ và con gái út. Có những trường hợp bệnh nhân có tiếp xúc với bệnh nhân nhưng sẽ không lây bệnh ngay. Sau đó, người đó có quá trình tiếp xúc với bệnh phẩm mới mắc bệnh. Ví dụ, như các vật dụng trong nhà của bệnh nhân”.
Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, người dân nên chọn lọc những thông tin chính thống không nên tin vào những tin đồn thất thiệt gây ra sự hoang mang không đáng có.
Còn theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM, không thế biết chắc chắn bệnh nhân D lây cho ông V hay ông V bị lây qua những người khác hoặc mầm bệnh sau đó.
Trường hợp thứ nhất có thể đặt ra, D lây cho mẹ, sau đó bà mẹ lây ông V hoặc cô con gái út lây cho bố. Không thể khẳng định được nguồn lây của ông V là từ D.
Trường hợp 2, vào ngày 25/2 D nhập viện, nhưng môi trường tại nhà D vẫn còn virus và nguồn lây cũng có thể từ đó.
Trường hợp thứ 3, bệnh nhân V có thể là trường hợp người lành mang trùng vì bệnh nhân chỉ mệt. Trường hợp người lành mang trùng là không hề có biểu hiện lâm sàng nhưng vẫn phát bệnh.
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 16 giờ 00, ngày 13/02/2020, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp COVID-19 (nCoV) trên thế giới cụ thể như sau: Tổng số trường hợp mắc: 60.373, trong đó tại Trung Quốc đại lục: 59.804; Tổng số trường hợp tử vong: 1.367.