hìn về Tổ quốc trong những ngày khó khăn, thử thách để đối phó với dịch bệnh, không ít người Việt ở hải ngoại dâng trào cảm xúc: Tự hào.
Chị Khanh Nguyen Nye theo chồng sang định cư ở Mỹ từ 8 năm nay và hiện đang sống ở miền Bắc bang California. Sáng 23/4 theo giờ Mỹ, khi nghe tin 28 tỉnh thành của Việt Nam có thể nới lỏng “cách ly xã hội”, chị mừng rơi nước mắt. Quê hương Việt Nam- vốn luôn thường trực trong tim chị, nay đã có những gam màu tươi sáng. Hơn 3 tháng qua, chưa khi nào chị ngừng theo dõi những tin tức về đất nước, về cách thức Chính phủ và người dân đối diện với đại dịch. Rồi chị kể cho chồng mình (người Mỹ) với giọng đầy tự hào, phấn khích.
“Nhiều khi tôi cứ tự đặt ra câu hỏi, vì sao mà Việt Nam mình có thể xử trí với đại dịch tốt như vậy? Và rồi, tự tôi đã tìm được câu trả lời cho mình. Đó là hệ thống chính trị của Việt Nam rất phù hợp trong việc đối phó với những tình huống khẩn cấp, với những vấn đề diễn ra trên bình diện rộng. Việc phân cấp các đơn vị hành chính theo chiều dọc từ trung ương đến tỉnh thành phố, huyện, thị trấn, xã, phường và mỗi xã/phường lại có khu phố, tổ dân phố khiến cho việc rà soát, phát hiện, cách ly, phong tỏa, truy tìm các nguồn tiếp xúc, đảm bảo người dân tuân thủ “cách ly xã hội”… được thực hiện kịp thời và khá quy củ…” – chị Khanh lý giải.
Lý do thứ hai mà chị suy ngẫm, đó là sự đồng lòng tuyệt đối và sự hợp tác của người dân trong việc chống dịch. Phẩm chất này có được là do Việt Nam từng có nhiều thập kỷ chiến tranh, toàn dân ai cũng thấu hiểu một điều là phải đoàn kết thì mới có sức mạnh.
Và từ nơi xa nhìn về Tổ quốc, chị Khanh Nguyen Nye đặc biệt cảm kích về trình độ của các y bác sĩ trong nước, cho rằng, họ thật sự tài năng.
“Hôm đọc được bài báo nói rằng, Việt Nam đã sản xuất được Kit xét nghiệm và đã có 20 nước đặt mua, mình đã rất phấn khởi khoe với chồng bởi tại thời điểm đó có hàng triệu người Mỹ đang chờ được xét nghiệm. Đặt biệt, kể từ ca bệnh đầu tiên ngày 23/1 đến nay, Việt Nam chưa có trường hợp nào tử vong thì quả là kỳ lạ. Đó chính là tấm gương phản ánh trình độ của đội ngũ y bác sĩ trong nước”.
Chị Khanh Nguyen Nye đã chiêm nghiệm như vậy và điều cuối cùng chị cho là quan trọng nhất khiến Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, đó là phản ứng quyết liệt, thần tốc của Chính phủ ngay từ những ngày đầu khi dịch mới có dấu hiệu bùng phát. Mặc dù nguồn lực còn hạn chế hơn so với nhiều nước, nhưng do quan điểm của Chính phủ đặt sức khỏe của người dân lên trên hết nên đã có những chính sách có thể nói là rất nhân văn, mà ngay cả những nước giàu có, tiên tiến không làm được, ví như: Xét nghiệm và điều trị miễn phí cho người dân.
Cũng như chị Khanh Nguyen Nye, chị Phan Bích Thiện, hiện sống tại Budapest, Hungary, cho biết, kể từ Tết đến giờ, không ngày nào chị không theo dõi các diễn biến phòng chống dịch Covid-19 ở trong nước. Thời gian đầu, chị không khỏi thấp thỏm, lo lắng, nhưng càng về sau, chị càng thấy yên tâm hơn khi chứng kiến các biện pháp chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ phát huy hiệu quả.
“Trong quá trình chống dịch vừa qua, có thể nói chính quyền các cấp và toàn dân đã cùng vào cuộc. Tôi thực sự xúc động khi nhìn những hình ảnh bộ đội nhường chỗ ăn ở của mình và phục vụ chu đáo cho người phải cách ly. Việc cách ly tập trung 14 ngày toàn bộ số người ở nước ngoài về đòi hỏi rất nhiều công sức và điều kiện, điều mà ít nước trên thế giới làm được cho đến ngày hôm nay. Một hình ảnh nữa cũng khiến tôi rất ấn tượng đó là các “ATM gạo” được những nhà hảo tâm tự nguyện lập ra để giúp người nghèo đã có mặt ở rất nhiều địa phương của Việt Nam. Những hình ảnh, việc làm đó đã minh chứng cho truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam “lá lành đùm lá rách”, “giúp đỡ nhau trong hoạn nạn”, chị Thiện chia sẻ và cho biết, chị rất tự hào khi kể cho bạn bè ở Hungary những câu chuyện này.
Mới đây, trả lời phỏng vấn báo “168 Óra ” của Hungary về hiệu quả của các biện pháp chống dịch ở Việt Nam, chị Thiện đã rất xúc động khi nhắc lại việc Chính phủ tuyên bố “chống dịch như chống giặc” và đặt an toàn sức khỏe của người dân ở mức cao nhất. Rồi chị kết luận “Đây là hành động rất thuyết phục và nhân văn. Tôi rất tự hào về thành quả của Việt Nam trong “trận chiến” này và không khỏi hãnh diện mỗi khi tin tức về thành công trong cuộc chiến chống Covid của Việt Nam được truyền thông Hungary và thế giới ca ngợi”.
Với anh Quách Hưng Tòng, sống tại San Jose, Califonia (Mỹ), điều anh suy nghĩ nhất là vì sao cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam đã khiến thế giới phải kinh ngạc? Rồi cũng chính anh luận giải: Đó là cuộc chiến mà từ Chính phủ tới mỗi người dân cùng đồng lòng để vượt qua với một quyết tâm cao và tinh thần kỷ luật, trách nhiệm. Sự đồng lòng của người dân được thể hiện qua việc tuân thủ các quy định của Chính phủ để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
“Trong công cuộc chống đại dịch lần này, thế giới một lần nữa chứng kiến hình ảnh đẹp về đất nước Việt Nam, đó là truyền thống tương thân tương ái, không chỉ của người dân trong nước với nhau mà với cả cộng đồng thế giới”- anh Tòng chia sẻ.
“Không phải chỉ riêng cá nhân tôi, mà rất nhiều người dân rất cảm động trước hình ảnh của những người lính và các y bác sĩ, họ thực sự là những anh hùng trên tuyến đầu chống dịch. Theo dõi thông tin trong và ngoài nước, tôi thấy được sự cảm kích của số đông dư luận đối với tinh thần phục vụ đầy trách nhiệm của họ. Đặc biệt theo tôi, có thể dẫn chứng ra đây những “nhân chứng lòng người” là những du học sinh ở nước ngoài về Việt Nam, họ được chăm sóc, được đối xử tận tình, chu đáo. Những tình cảm đó là không thể ngụy tạo được mà nó được gây dựng bằng chính sự đối đãi chân tình của những người lính, những y bác sĩ Việt Nam”, anh Tòng bày tỏ.
Còn nhiều và nhiều hơn nữa những chia sẻ cảm động của người Việt ở hải ngoại khi nhìn về đất nước những ngày khó khăn, thử thách. Chính trong hoàn cảnh đặc biệt đó, họ càng cảm nhận rõ hơn về bản lĩnh, về cội nguồn sức mạnh, về ý chí kiên cường và tinh thần nhân văn của dân tộc. Tổ quốc- lặng nhìn từ xa, rồi rưng rưng nỗi nhớ./.